
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2025 NCB
VIB: Lợi nhuận quý 1 dự kiến đạt 20-22% kế hoạch cả năm
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – mã: VIB) là ngân hàng đầu tiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay. Cuộc họp được tổ chức vào sáng ngày 27/3/2025 tại TP. HCM. ĐHĐCĐ thường niên 2025 VIB đã thông qua toàn bộ tờ trình được đưa ra xin ý kiến.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của VIB:
– Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.020 tỷ đồng, tăng 22%.
– Phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông tỷ lệ tối đa 14%.
– Phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên tỷ lệ tối đa 0,26%.
– Chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ tối đa 7%.
Tại Đại hội đồng cổ đông, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 20%/năm của VIB là khả thi nhờ vốn chủ sở hữu (CAR), năng lực cho vay và nguồn vốn huy động. Ông khẳng định VIB có thể duy trì mức tăng trưởng này trong 10 năm tới nếu được cấp đủ room tín dụng.
Về cạnh tranh với ngân hàng quốc doanh, ông Vỹ cho rằng đây không phải vấn đề đáng lo, mà là động lực phát triển. VIB chiếm ưu thế ở mảng bán lẻ với 80% dư nợ, vượt xa mức tối đa 50% của các đối thủ.
Về chỉ số CIR tăng từ 29% lên 35% trong năm 2024, ông giải thích do thu nhập giảm khi VIB hạ lãi suất cho vay từ 10-12% xuống hơn 8% để hỗ trợ khách hàng, trong khi chi phí huy động không giảm tương ứng.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2025, lợi nhuận dự kiến đạt 20-22% kế hoạch cả năm (11.000 tỷ đồng), tương đương trên 2.200 tỷ đồng, với tăng trưởng tín dụng gần 3% (toàn ngành 2%). Các quý sau sẽ tăng trưởng tốt hơn, cao hơn khoảng 30-40% so với quý 1.
Về quan hệ với cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA), ông Vỹ cho biết CBA đã đầu tư 175 triệu USD vào VIB cách đây hơn 10 năm, nhận về 500 triệu USD cổ tức lũy kế. Sau khi thay đổi chiến lược toàn cầu, CBA rút dần, bán 5% cổ phần ra thị trường và 15% cho cổ đông nội bộ. Hiện VIB chưa cần vốn mới, nhưng từ 2025, HĐQT đang tìm kiếm đối tác chiến lược mới để tăng vốn chủ sở hữu, hỗ trợ công nghệ và huy động vốn.
Nam A Bank: Mục tiêu lãi 5.000 tỷ trong năm 2025, chia cổ tức 25%
Ngày 28/3, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – mã: NAB) là đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại Dalat Palace Heritage, số 2 Trần Phú, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tại Đại hội, cổ đông Nam A Bank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 2024. Tổng tài sản dự kiến ở mức 270.000 tỷ đồng, tăng 10% với dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế ở mức 194.000 tỷ đồng, tăng 16%. Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và giấy tờ có giá ở mức 209.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng không vượt quá 2,5%, trong khi các tỷ lệ an toàn theo đúng quy định.
Kế hoạch năm 2025 của Nam A Bank:
– Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 10%.
– Chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%.
– Chào bán 85 triệu cổ phiếu ESOP, giá 10.000 đồng/cp.
– Phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, tối đa 2.000 tỷ đồng.
Về Phương án tăng vốn điều lệ năm 2025, Nam A Bank sẽ phát hành thêm 343,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25%, giúp vốn điều lệ tăng thêm hơn 3.431 tỷ đồng.
Về phương án ESOP, Nam A Bank cũng sẽ phát hành 85 triệu cổ phiếu ESOP, giúp vốn điều lệ tăng thêm 850 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ Nam A Bank cũng thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ. Ngoài ra, ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Nam A Bank cũng phê duyệt chủ trương tiếp tục tham gia xử lý các Quỹ Tín dụng nhân dân.
NCB: Mục tiêu tăng vốn điều lệ lên trên 19.000 tỷ, dự kiến có lãi trong quý 1
Ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB – mã: NVB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tại Hà Nội. ĐHĐCĐ thường niên 2025 VIB đã thông qua toàn bộ tờ trình được đưa ra xin ý kiến.
Kế hoạch năm 2025 của NCB:
– Dự kiến lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại đạt 59 tỷ đồng.
– Phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ từ 11.780 tỷ đồng lên 19.280 tỷ đồng, tương đương tăng 63,67%.
Tại Đại hội, Chủ tịch NCB Bùi Thị Thanh Hương đã giải đáp câu hỏi của cổ đông về kế hoạch sử dụng 7.500 tỷ đồng từ đợt tăng vốn điều lệ trong năm 2025. Bà cho biết, việc tăng thêm 7.500 tỷ đồng ngay trong năm 2025, dù vừa tăng vốn lớn trong năm trước, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của ngân hàng.
Bà Hương giải thích, số vốn này sẽ được sử dụng cho hai mục tiêu chính. Thứ nhất, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 8% theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước – một yêu cầu khắt khe, đặc biệt với các ngân hàng tái cơ cấu như NCB. Nếu hoàn thành, NCB sẽ đáp ứng chuẩn này, tạo nền tảng vững chắc. Thứ hai, phục vụ hoạt động kinh doanh, chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp và cá nhân mà NCB lựa chọn. Ngoài ra, bà nhấn mạnh việc tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số và công nghệ, nối tiếp ba năm qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Giải đáp về tiến độ xử lý hơn 200 triệu cổ phiếu Bamboo Airway, Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương cho biết năm 2022, khi tập đoàn mẹ của Bamboo Airways là FLC gặp khó khăn, ngân hàng đã tìm được đối tác đặt mua số cổ phiếu này. Khoản tiền thu về từ giao dịch dự kiến đảm bảo bù đắp toàn bộ gốc và lãi liên quan.
Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, ngành hàng không tiếp tục lao đao vì khủng hoảng động cơ, ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng bay trên toàn cầu, trong đó có Bamboo Airways. Trong bối cảnh đó, đối tác mua lại số cổ phiếu trên đã xin gia hạn thanh toán đến muộn nhất là năm 2026.
Bà Hương nhấn mạnh nếu khoản đầu tư này được thu hồi theo kế hoạch, NCB có thể ghi nhận một khoản thu nhập bất thường, cải thiện đáng kể tình hình tài chính. Hiện tại, ngân hàng vẫn đang trích lập dự phòng một cách thận trọng.
Về hoạt động kinh doanh, bà Hương nhận định nếu NHNN nới room tín dụng cho hệ thống ngân hàng, quy mô “nhỏ mà có võ” của NCB sẽ gặp thách thức trước các đối thủ lớn. Tuy nhiên, bà cam kết HĐQT và Ban Điều hành sẽ nỗ lực hết sức. Bà cho biết quý 1/2025 ngân hàng đã tự cân đối được chi phí, xử lý nợ cũ và chi phí mới, dự kiến có lãi từ cuối năm 2025 thay vì lỗ như năm 2024. Đây là kết quả từ việc thực hiện đúng phương án tái cơ cấu được phê duyệt, với tổng xử lý và thu hồi nợ gốc đạt 26.287 tỷ đồng, gần 50% dư nợ cũ.
Bà Hương bày tỏ niềm tin vào tương lai, khẳng định chậm nhất đến hết 2026, NCB sẽ đạt được những kết quả tích cực, mang lại “hoa thơm trái ngọt” cho cổ đông.
Tổng Giám đốc Tạ Kiều Hưng cho biết, tổng doanh thu dự kiến năm 2025 của NCB là 4.125 tỷ đồng. So với tổng doanh thu năm 2024 là khoảng 3.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 37%.
Những tín hiệu trong các tháng đầu năm 2025 đang rất tích cực về mặt tổng doanh thu. Ban lãnh đạo NCB dự kiến tổng doanh thu quý 1 sẽ vượt khoảng 25% so với kế hoạch. Dự kiến quý 1, NCB sẽ có lãi trên toàn bộ hệ thống.
Quang Hưng