Chặn đầu cơ trục lợi
Thời gian qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Tổ công tác bảo đảm an ninh thị trường vàng do Công an TP Hồ Chí Minh chủ trì để thu thập thông tin người mua vàng miếng SJC, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh vàng của các cơ sở mua bán và sản xuất, xử lý các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi, gây bất ổn thị trường vàng…
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thu thập thông tin người mua bán vàng nhằm ngăn chặn việc đầu cơ, đảm bảo yêu cầu bí mật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp chế tác.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, NHNN đã thực hiện giải pháp bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank). Giải pháp này nhằm tăng cường quản lý nhà nước về thị trường vàng, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới, góp phần ổn định thị trường tài chính tiền tệ, qua đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, người mua vàng miếng cần lựa chọn đúng địa điểm, chấp hành các quy định, các yêu cầu trong hoạt động giao dịch như: Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, cung cấp thông tin người mua, mua bán phải có hóa đơn chứng từ, công khai, minh bạch…
Theo ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN): Việc phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý thị trường vàng chưa bao giờ tốt như hiện nay. Lực lượng hải quan, công an đã bắt nhiều vụ buôn lậu vàng; Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phối hợp trong quản lý hóa đơn… hỗ trợ trong việc quản lý thị trường vàng.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách quản lý thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ và sẽ có chính sách mới khi sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng ổn định, bền vững, sát thị trường.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích: Thị trường vàng có mối liên hệ mật thiết và tác động trực tiếp tới các cân đối vĩ mô quan trọng như: Tỷ giá, lạm phát… nên không thể hoạt động tự do như các lĩnh vực khác, mà phải được kiểm soát chặt chẽ. Trên thế giới, ít có quốc gia nào mà nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi vàng như Việt Nam. Những lĩnh vực khác có thể để thị trường tự do điều tiết như hàng không, điện, thậm chí hoạt động ngân hàng, nhưng vàng thì khó. Phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước can thiệp, nếu không vàng sẽ làm méo mó thị trường tiền tệ, gây bất ổn đối với kinh tế vĩ mô. Về lâu dài, Nhà nước cần có nhiều biện pháp để thay đổi nhận thức của người dân về việc tích trữ vàng vật chất. Nếu như nhận thức của người dân không thay đổi, NHNN có cung ra thị trường bao nhiêu vàng cũng không đủ.
Nhà nước không khuyến khích người dân mua và sở hữu vàng, nhưng không thể cấm. Khi mua vàng vật chất tích trữ, nguồn lực không được đưa vào sản xuất, kinh doanh, tiền không luân chuyển để tạo ra tiền, kích thích tăng trưởng. Nhà nước cần tìm cách để người dân tìm đến các kênh đầu tư, tích luỹ khác. Ngoài ra, việc đẩy mạnh phòng chống rửa tiền trong các giao dịch vàng miếng cũng là giải pháp hiệu quả để thị trường minh bạch hơn, từ đó hạn chế đầu cơ, đẩy giá. Thời gian tới, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả các quy định đã có (phòng chống rửa tiền, xuất hóa đơn điện tử) thì thị trường vàng sẽ minh bạch, ổn định.
Minh bạch hóa thị trường
Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam là không có sàn vàng tập trung, minh bạch, người dân chủ yếu giao dịch tại các cửa hàng mua bán vàng và mức giá mua bán do các cửa hàng ấn định, người mua bán không quyết định được giá. Nhiều năm qua, hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vàng trên cả nước, nhưng quy định mức giá tương đương nhau, chênh lệch không đáng kể. Thực tế này là do giá trên thị trường đã được “nhà cái” ấn định. Đây là những nhóm đầu cơ, có khả năng lũng đoạn thị trường.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng: Những “cơn bão giá vàng” đã qua có “bàn tay” của một số nhóm đầu cơ mượn “sóng” vàng thế giới để đẩy giá trong nước nhằm trục lợi. Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương cần vốn để kinh doanh không dại gì bỏ tiền ra ôm vàng, chỉ có người dân có thói quen tích trữ vàng. Thực tế, nhu cầu mua vàng của người dân không đủ lớn để NHNN phải hy sinh dự trữ ngoại tệ quốc gia để giải quyết nhu cầu của người dân và NHNN cũng đã có khuyến nghị các cơ quan liên quan có các giải pháp ứng xử phù hợp với thị trường vàng. Theo đó, để quản lý thị trường vàng hiệu quả, Chính phủ cần có đề án tổng thể, phân rõ vai trò, trách nhiệm của từng bộ, ngành; đưa ra cơ chế phối hợp hiệu quả để tiến tới định danh vàng, ngăn chặn hiệu quả buôn lậu vàng, làm lộ diện những “nhà cái”.
TS Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam nhận định: Những “nhà cái” này nắm giữ một lượng lớn vàng nhập lậu qua biên giới, có khả năng lũng đoạn cả thị trường vàng, khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng nóng như thời gian qua. Trên thị trường đang có hiện tượng thuê người xếp hàng mua vàng; thuê người đăng ký mua vàng trực tuyến từ 5 đơn vị tham gia bình ổn thị trường. “Đã xuất hiện tình trạng xếp hàng mua vàng thuê hay tình trạng các cửa hàng vàng lớn không có vàng bán, nghĩa là đang xuất hiện tình trạng cố tình “găm hàng” chờ NHNN ngừng bán vàng bình ổn sẽ lại tiếp tục tạo sóng thị trường, đẩy giá vàng trong nước tăng lên để trục lợi.
TS Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Nhà nước nên chuyển sang quản lý tiêu chuẩn chất lượng, thẩm định và cấp chứng nhận cho những doanh nghiệp sản xuất vàng miếng đủ điều kiện thay vì phải bán vàng bình ổn như hiện nay. Cụ thể, Chính phủ cần “phân vai” rõ cho NHNN và các bộ, ngành liên quan trong quản lý chất lượng vàng, điều kiện kinh doanh…; công nhận những doanh nghiệp sản xuất vàng miếng đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Đơn cử, chỉ cần đơn vị chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ có giám định, công nhận thương hiệu vàng có đảm bảo tuổi vàng, hàm lượng vàng hay không?…
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Chính phủ cần hướng tới xây dựng quy định rõ ràng về vàng nhẫn. Nếu coi vàng nhẫn là vàng trang sức, cần quy định hàm lượng vàng nguyên chất phải dưới 75% hoặc 61%. Để chế tạo vàng trang sức 75% hay 61% sẽ cần gia công nhiều chứ không chỉ đổ vàng nguyên chất thành khuôn và bán ra thị trường. Quy định rõ như vậy sẽ hạn chế tình trạng lách luật, dần dần làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Khi đã có quy định cả về vàng miếng và vàng nhẫn, các cơ quan quản lý nên tách bạch quản lý giữa thị trường vàng ngoại hối và vàng hàng hóa trong nước.
PGS. TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng: Để bình đẳng giữa các kênh đầu tư, việc đánh thuế vào việc mua bán vàng hiện nay là giải pháp cần thiết. Việc đánh thuế vào đầu tư vàng không chỉ đảm bảo sự bình đẳng giữa các kênh đầu tư, mà còn là một trong những giải pháp để giá vàng, thị trường vàng từng bước ổn định. Chính sách thuế đối với vàng nên hướng tới mục tiêu đảm bảo bình đẳng giữa các kênh đầu tư; tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, không bị các yếu tố đầu cơ chi phối.
Trong bối cảnh hiện nay, nhập khẩu vàng để sản xuất ra vàng trang sức hoặc in dập ra vàng lá, vàng khối để bán kiếm lời, trong trường hợp này cần có chính sách thuế hợp lý để điều tiết cung cầu, trên cơ sở đó thị trường vàng Việt Nam sẽ phát triển ổn định.
Sau chuỗi ngày duy trì ở mức trên dưới 80 triệu đồng/ lượng, giá vàng miếng SJC trong nước (ngày 7/8/2024) đã bất ngờ giảm 800.000 đồng về ngưỡng 79 triệu đồng/ lượng; giá vàng nhẫn trong nước cũng được điều chỉnh giảm. Gía vàng miếng SJC tại Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank bán ra ở mức 79 triệu đồng/ lượng, các công y vàng bạc đá quý cũng duy trì giá bán vàng miếng ở mức tương đương.