Phản ánh đến Báo Người Lao Động, chị K.Ngân (ngụ TP Thủ Đức) cho biết tháng 7-2023, chị vay 2,5 tỉ đồng tại Ngân hàng Standard Chartered để mua một căn nhà ở TP HCM (nhà đất thứ 2). Tài sản thế chấp là một căn nhà khác (nhà đất thứ 1) có đầy đủ giấy tờ. Lãi suất ưu đãi trong năm đầu là 8,5%/năm và năm thứ 2 là 9,75%, do chị có mua bảo hiểm nhân thọ.
Điều kiện sau giải ngân để được hưởng mức lãi suất ưu đãi này là “cung cấp bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu/quyền sử dụng tài sản mua đã sang tên cho khách hàng hoặc bản sao biên lai thuế liên quan việc chuyển nhượng”.
Sau khi mua căn nhà từ khoản vay vốn của ngân hàng, việc sang tên từ người bán cho chị K.Ngân gặp trục trặc. Bởi lẽ, căn nhà có một phần diện tích chưa được hoàn công nên không đóng thuế được.
“Tên trên sổ là chủ nhà cũ đời trước, không phải người đã bán cho tôi. Vì thế, hiện tôi vẫn chưa làm xong phần xác nhận này. Sau 30 ngày, nhân viên ngân hàng nói tôi sẽ bị tăng lãi suất, không được ưu đãi nếu không bổ sung giấy tờ vào khoảng tháng 11-2023. Đến tháng 1-2024, tôi nhận được thông báo lãi suất phải trả lên tới 15%/năm. Khoản lãi hằng tháng từ 21,69 triệu đồng lên tới 32,77 triệu đồng, thật choáng váng” – chị K.Ngân bức xúc.
Theo khách hàng này, lãi suất huy động Standard Chartered đang áp dụng cao nhất là 3,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Trong thông báo ban đầu, với các gói vay ưu đãi có đề cập, lãi suất thả nổi hiện tại là 12%/năm, song khoản vay của chị K.Ngân bị tăng lãi suất lên tới 15%/năm. Chị đã gửi khiếu nại tới ngân hàng nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức.
“Gói vay của tôi là mua nhà đất thứ 2, thế chấp bằng nhà đất thứ 1 tại ngân hàng này hoàn toàn hợp lệ. Việc mua nhầm nhà đất thứ 2 vì giấy tờ chưa hoàn công nên chưa sang tên chính chủ được là thiệt hại của tôi – người đi vay. Trong trường hợp này, ngân hàng chưa hề có bất kỳ thiệt hại gì. Vì nếu tôi không thanh toán khoản vay thì ngân hàng có thể siết nợ – là tài sản thứ 1 được dùng thế chấp. Lúc công chứng dựa trên hợp đồng mua bán, ngân hàng đã giải ngân cho tài khoản của người mua” – chị K.Ngân thắc mắc.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ Standard Chartered về trường hợp nêu trên. Ngân hàng này giải thích: “Trường hợp này, ngân hàng đã và đang làm theo các quy định, trên cơ sở tham chiếu các điều khoản của hợp đồng vay vốn đã ký với khách hàng. Các bộ phận liên quan của Standard Chartered đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất có thể”.
Theo quy định và thỏa thuận bảo mật đã ký với khách hàng, ngân hàng không cung cấp thông tin chi tiết về sự việc này.
Theo tìm hiểu của PV Báo Người Lao Động, khách hàng K.Ngân bị tăng lãi suất cho vay từ 8,5%/năm lên 15%/năm do sau thời hạn 30 ngày không cung cấp được giấy tờ mua căn nhà thứ 2 đã sang tên chính chủ.
“Việc chưa cung cấp được giấy tờ do trục trặc trong quá trình sang tên là lỗi của tôi. Song, hợp đồng cũng nêu rõ “ngân hàng có quyền và sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng”. Tôi vẫn đang đóng tiền gốc, lãi đầy đủ hằng tháng, không sai mục đích nhưng sao vẫn bị ngân hàng tăng lãi suất lên quá cao?” – chị K.Ngân đặt vấn đề.
Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục thông tin về trường hợp này.