Thảo luận ở hội trường về kinh tế – xã hội trong các ngày 31/10 và 1/11/2023, một số đại biểu đã cho ý kiến về chính sách tiền tệ, tín dụng và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay, nhất là với lĩnh vực bất động sản.
Kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến ngày 11/10/2023 đạt 6,29% so với năm 2022 (chậm hơn so với cùng kỳ, tăng 11,12%); tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến tháng 6 là 3,36% cao hơn mục tiêu đề ra đến năm 2025 là dưới 3%.
Tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), báo cáo chưa nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu. Vị đại biểu nhận định, trường hợp tăng trưởng tập trung vào lĩnh vực bất động sản ở thời điểm này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu khi phần cung bất động sản đang dư thừa.
“Thị trường bất động sản đang nguy cơ trầm lắng, niềm tin của người dân vào thị trường sụt giảm. Tôi đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá, làm rõ vấn đề này, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay; có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) phân tích, với 10/15 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch thì hầu hết là các chỉ tiêu xã hội; trong khi 5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch là thuộc lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế của nước ta hiện nay đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định sẽ tạo ra nhiều hơn những khó khăn, thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2024 và những năm tới.
“Do đó, tôi cho rằng Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” sát hơn, có những chính sách, giải pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi, hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong thời gian đến”, theo đại biểu Cường.
Kinh tế phục hồi chậm, tín dụng khó cán “đích”
Đề cập cụ thể đến thực tế tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng nền kinh tế hiện đang “khát vốn” nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5 đến 2%/năm.
“Điều này cho thấy tình hình sản xuất và kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại”, đại biểu nói và cho rằng, việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở thời điểm hiện tại.
“Tôi cho rằng, bên cạnh việc xem xét, điều chỉnh hạ lãi suất thì cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế. Điều này không chỉ giúp nền kinh tế phục hồi một cách nhanh chóng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai”, đại biểu Trần Chí Cường đề xuất.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh), tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế khó có thể là đạt được kế hoạch đề ra cho năm nay trong khi áp lực lên tỷ giá, lạm phát còn rất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn rất chậm.