Chiều 23/11, giải trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – đề cập đến vấn đề giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng được nhiều đại biểu nêu. Theo bà, đây là những vấn đề Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm, có rất nhiều chỉ đạo.
Dự thảo luật mà Quốc hội thảo luận vào tháng 5 có những quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân từ 5% xuống 3%. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận nhiều đại biểu có ý kiến không cần thiết phải giảm xuống 3%, quy định như vậy và đặt ra câu hỏi là quy định như vậy thì có xử lý được triệt để hay không?
“Nếu chỉ quy định thì không thể xử lý triệt để được, bởi vì quy định là để có căn cứ khi người ta sai phạm thì mình xử lý được. Quan trọng nhất đó là vấn đề tổ chức thực hiện. Đối với ngành ngân hàng, qua những sự việc vừa qua, chúng tôi nhận thức và rút kinh nghiệm để có thể có những giải pháp”, bà Hồng cho hay.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nếu chỉ với bản thân ngành ngân hàng thì chưa đủ. Bởi vì nếu quy định 5% cổ phần nhưng cổ đông cứ cố tình nhờ người khác đứng tên thì việc xử lý thao túng này cũng không thể xử lý được.
“Cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ như thế, chỗ này lại đòi hỏi phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương”, bà Hồng nhấn mạnh.
Trong dự thảo luật đã quy định với những cổ đông nắm giữ trên 1% phải công bố rất công khai. Như vậy, nếu có cổ đông mà bản thân không có thu nhập hoặc chỉ là những nhân viên bình thường mà nắm giữ một cổ đông lớn thì có thể dễ phát hiện ra.
“Để giảm thao túng về đầu ra của tổ chức tín dụng trong dự thảo luật này thiết kế phải giảm tỷ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và những khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10%. Một số đại biểu cũng nêu việc này cần phải có lộ trình. Trên thực tế thì cơ quan soạn thảo đã dự thảo một lộ trình để giảm từ 15% xuống 10%”, bà Hồng lý giải.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, phía Ngân hàng Nhà nước trong quá trình chỉ đạo điều hành và thanh tra giám sát, cũng nhận diện và nhận thức được cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Đặc biệt ở các tổ chức tín dụng có bộ phận kiểm soát, kiểm toán của từng tổ chức tín dụng.
“Họ phải có trách nhiệm trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của hội đồng quản trị và ban điều hành. Vấn đề này trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng cường để chính tại tổ chức tín dụng họ phải là người giám sát tối cao”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.
“Chúng tôi cũng xin bày tỏ tinh thần rất trách nhiệm, rất tâm huyết và cũng từ thực tiễn hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua sẽ cố gắng hết sức có thể lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của hệ thống ngân hàng, để có thể khắc phục được những hạn chế và hoạt động ngân hàng đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, bà Hồng nêu rõ.