Trước thực tế thu thu giữ tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn kể từ sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực, các ngân hàng đều đồng tình với quan điểm cần Luật hóa Nghị quyết 42. Từ đó, có cơ chế pháp lý rõ ràng hơn để xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu hiệu quả.

Hình minh họa
Số liệu về nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy, đến hết năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại ở mức 4,35%, giảm so với mức 4,89% vào cuối năm 2023. Nếu không tính 5 ngân hàng thương mại bị kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của nhóm NHTM chỉ còn 1,69%.
Đánh giá thực trạng nợ xấu hiện nay, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với một số ngân hàng thương mại (NHTM) để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, tổ chức ngày 11/2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cảnh báo đây là vấn đề cần hết sức chú ý. Để xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bốn ngân hàng yếu kém đã được chuyển giao bắt buộc, tuy nhiên vẫn còn nhiều khoản nợ tồn đọng cần giải quyết. Do đó, NHNN đã trình Chính phủ phương án cho vay đặc biệt để hỗ trợ các ngân hàng này, cũng như về lâu dài mong muốn Chính phủ xem xét luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, giúp hệ thống ngân hàng có cơ sở pháp lý vững chắc hơn.
Luật hóa Nghị quyết 42 cũng là niềm mong mỏi của các tổ chức tín dụng (TCTD) suốt thời gian qua, bởi từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, các ngân hàng đã gặp nhiều khó khăn trong thu hồi nợ xấu do thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng hơn để xử lý tài sản đảm bảo.
Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong năm 2025 các TCTD tiếp tục phải đối diện với những rủi ro từ nợ xấu tiềm ẩn. Bởi, trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, trong khi TCTD không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Trong bối cảnh, thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng vẫn thường xuyên tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp. Bởi vậy, nếu xảy ra tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khách hàng chây ì, cố tình không trả nợ, ngân hàng cần có giải pháp xử lý quyết liệt. Để tháo gỡ những khó khăn này, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị: “Chính phủ cho tiếp tục luật hóa những nội dung quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ cũng như mua bán và xử lý nợ xấu. Đồng thời, rà soát sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015 để bảo vệ quyền chủ nợ”.
Từ thực tế ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, thời gian qua, mặc dù Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, tuy nhiên nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại lớn về người và tài sản; Trong bối cảnh chỉ còn 01 năm thực hiện Phương án cơ cấu lại Agribank, việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% gặp rất nhiều thách thức. Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng cũng như Agribank gặp nhiều vướng mắc, chưa được luật hóa đầy đủ. “Agribank đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các TCTD có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu”, ông Phạm Toàn Vượng đề nghị.
Cũng mong mỏi có hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, để có thể hỗ trợ cho việc tăng trưởng tín dụng thời gian tới, ngân hàng mong muốn hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ được hoàn thiện. Hiện việc xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn vướng mắc, khi Nghị quyết 42 không được luật hoá, gây rủi ro rất lớn cho ngành Ngân hàng.
“VIB cũng như các ngân hàng tin tưởng khi quyền hợp pháp của chủ nợ được đảm bảo, ngành Ngân hàng sẽ tăng được khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp người dân, chi phí tín dụng của người vay được tiết giảm, khách hàng tốt không bị ảnh hưởng bởi những khách hàng không hoặc chưa hiểu về nghĩa vụ trả nợ, không tuân thủ hợp đồng trả nợ. Về phía các TCTD sẽ mạnh dạn cho vay với lãi suất phù hợp”, ông Đặng Khắc Vỹ bày tỏ.
Trước những khó khăn, vướng mắc các ngân hàng đang gặp phải trong quá trình xử lý nợ xấu, kết luật Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với một số ngân hàng thương mại, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời sửa đổi quy định liên quan tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng thương mại cổ phần.
Với những chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, kỳ vọng thời gian tới hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ được hoàn thiện, hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng sẽ hiệu quả hơn, nợ xấu sẽ không còn là “cục máu đông” của nền kinh tế.