Theo đó, Bộ quy tắc hướng dẫn danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam cho các mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài, bao gồm: (1) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; (2) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; (3) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; (4) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; (5) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; (6) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài.
Bộ quy tắc định nghĩa lại các từ ngữ/thuật ngữ trong các giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài để có cách hiểu thống nhất giữa các ngân hàng, cũng như giữa ngân hàng với khách hàng, như sau:
Chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài là giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài qua ngân hàng được phép mang tính chất tài trợ, viện trợ hoặc giúp đỡ thân nhân gia đình, sử dụng chi tiêu cá nhân không liên quan đến việc thanh toán xuất khẩu, nhập khẩu về hàng hóa và dịch vụ.
Người cư trú là công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam thuộc đối tượng người cư trú theo quy định tại Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các văn bản sửa đổi bổ sung (nếu có).
Học tập ở nước ngoài là việc công dân Việt Nam được phép ra nước ngoài tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng tại cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
Chữa bệnh ở nước ngoài là việc công dân Việt Nam được phép ra nước ngoài để thực hiện việc khám, chữa bệnh, sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ngoài.
Phí, lệ phí của nước ngoài là các khoản chi phí mà người cư trú là công dân Việt Nam cần chi trả cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc hội, hiệp hội nước ngoài theo quy định của nước sở tại. Phí, lệ phí của nước ngoài được xác định tại Thông báo chi phí.
Thân nhân đang ở nước ngoài là cá nhân được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép cư trú hợp pháp theo quy định của nước sở tại, có quan hệ thân nhân với người chuyển tiền của giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài.
Người hưởng thừa kế ở nước ngoài là người cư trú là công dân Việt Nam được phép định cư hoặc cư trú dài hạn hợp pháp theo quy định của nước ngoài và được hưởng thừa kế theo quy định của Pháp luật Việt Nam.
Định cư ở nước ngoài là việc công dân Việt Nam đã được nhập quốc tịch nước ngoài theo quy định của pháp luật nước ngoài nơi công dân Việt Nam được nhập quốc tịch hoặc được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép cư trú với mục đích định cư theo quy định của nước sở tại.
Chi phí sinh hoạt là số tiền cần thiết để duy trì các nhu cầu hợp lý, phù hợp với mục đích hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống của người cư trú là công dân Việt Nam học tập hoặc khám chữa bệnh ở nước ngoài (ngoài học phí, viện phí và các chi phí liên quan theo thông báo của cơ sở đào tạo/cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài).
Hạn mức mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài: Là mức ngoại tệ tối đa được phép mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam quy định tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, Thông tư 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân và các văn bản sửa đổi bổ sung (nếu có).
Bộ quy tắc quy định rõ, nguồn ngoại tệ được sử dụng để chuyển ra nước ngoài hoặc được ngân hàng được phép xác nhận để mang ngoại tệ tiền mặt ra nước bao gồm: Ngoại tệ tự có của cá nhân (ngoại tệ trên tài khoản thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ, tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, ngoại tệ tự cất giữ); Ngoại tệ mua của ngân hàng được phép.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Bộ quy tắc không phải là văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành trong phạm vi các tổ chức hội viên, nhằm cùng thống nhất trong cách thực hiện, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, để làm sao tạo sự thuận lợi, hỗ trợ cho người dân chuyển tiền nhanh chóng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong hoạt động nghiệp vụ.
Các ngân hàng không phải là hội viên, ngân hàng nước ngoài nếu thấy Bộ quy tắc hỗ trợ ngân hàng mình trong việc chuyển tiền một chiều ra nước ngoài, có mong muốn cùng thống nhất thực hiện thì đều có thể đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng để tham gia và chấp hành thực hiện đúng theo các nội dung của Bộ quy tắc.
Bộ quy tắc ban hành vào ngày 7/2/2025, có hiệu lực từ ngày 15/3/2025.