Bộ Tài chính cho biết, đang xây dựng dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi. Theo Điều 12 của dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi, số thuế VAT phải nộp của hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc , đá quý theo phương pháp tính trực tiếp. Giá trị gia tăng của hoạt động mua, bán chế tác vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá bán ra trừ đi giá mua vào. Nói cách khác, thuế VAT của hoạt động kinh doanh vàng áp dụng với phần chênh lệch giá vàng mua vào – bán ra.
Góp ý về quy định này, tỉnh Quảng Nam đề xuất ban soạn thảo luật quy định mức tỷ lệ (%) trên doanh thu riêng đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý (không áp dụng tỷ lệ của các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ).
Tỉnh Quảng Nam cho rằng, vàng, bạc, đá quý là hàng hóa đặc biệt vừa là hàng hóa, vừa là phương tiện thanh toán, rất khó kiểm soát giá. Các giao dịch mua bán vàng bạc, đá quý thường là các giao dịch nhỏ lẻ, không có đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào.
“Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý giữa giá thanh toán bán ra với giá thanh toán mua vào tại một thời điểm mức chênh lệch không cao. Vì vậy, áp dụng phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng thì khó quản lý, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước”, tỉnh Quảng Nam đề xuất.
Về đề xuất của tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài chính cho biết, không có cơ sở để đưa ra mức tỷ lệ đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý. Bên cạnh đó, doanh thu của hoạt động này rất lớn, theo đó, đề nghị giữ như dự thảo, không thay đổi.
Theo cách tính như dự thảo của Bộ Tài chính, nếu tính giá ngày 11/3, giá vàng SJC được doanh nghiệp vàng niêm yết 80,2 – 82,2 triệu đồng lượng. Chênh lệch giá vàng mua vào – bán ra ở mức 2 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp vàng sẽ nộp thuế VAT dựa trên chênh lệch giá mua vào – bán ra là 2 triệu đồng/lượng, tương ứng mức thuế 160.000 đồng/lượng.
Tương tự, với vàng nhẫn tròn trơn ở mức 70,08 – 71,38 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 1,3 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch 1,3 triệu đồng/lượng sẽ là căn cứ để doanh nghiệp vàng nộp thuế VAT với mức 8%.