Nợ xấu gần 21%
Từ ngày 5/3 – 29/4, TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát , Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Theo cáo trạng, SCB có trụ sở chính tại số 19 – 25 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM và được thành lập ngày 26/11/2011, trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần, gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Vốn điều lệ ban đầu thành lập là hơn 10.583 tỷ đồng, đến nay có vốn điều lệ hơn 15.231 tỷ đồng. Tháng 10/2022, SCB có 1 hội sở chính, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện, tổng số tiền mà ngân hàng huy động của người dân và vay của các cơ quan tổ chức khác là 673.586 tỷ đồng. Trong đó, 511.262 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá, 66.030 tỷ đồng vay Ngân hàng Nhà nước, 12.693 tỷ đồng tiền gửi, 6.756 tỷ đồng vay của các tổ chức tín dụng khác.
Vốn chủ sở hữu của SCB ngày 17/10/2022 được ghi nhận trên sổ sách là 21.036 tỷ đồng, gồm: Vốn của ngân hàng, các quỹ trích lập quy định, chênh lệch tỷ giá, lợi nhuận chưa phân phối. Tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán tại ngày 17/10/2022 là 713.420 tỷ đồng, gồm số huy động, vốn chủ sở hữu và nghĩa vụ SCB phải trả nhưng chưa chi trả, các khoản phải trả và công nợ khác là 18.798 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra của đoàn thanh tra liên ngành (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia) xác định, thực trạng tài chính SCB lúc 30/6/2017 rất xấu. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu lên tới 20,92% (trong khi quy định không quá 3%), tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ (CAR) là 6,5% (quy định là phải lớn hơn 9%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 13,28% (quy định phải lớn hơn hoặc bằng 50%), tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ 62,95% (trong khi Ngân hàng Nhà nước cho phép không quá 55%).
Đến ngày 8/10/2022, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định kiểm soát đặc biệt đối với SCB. Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu SCB thuê tổ chức kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ… của ngân hàng.
Ngày 31/5/2023, Công ty Kiểm toán KPMG chi nhánh tại TPHCM phát hành báo cáo kiểm toán độc lập, xác định SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 464.547 tỷ đồng.
Trong thời gian từ 1/1/2012 – 17/10/2022, Trương Mỹ Lan đã trực tiếp và chỉ đạo, điều hành các cá nhân là cán bộ, nhân viên chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện nhiều hành vi sai phạm để thao túng Ngân hàng SCB, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, tham ô tài sản.
Lập 3 đơn vị để giải ngân cho riêng bà Lan
Cáo trạng xác định, sau khi hợp nhất cổ phần của 3 ngân hàng để thành SCB, bà Trương Mỹ Lan nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,6% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,5% vào ngày 1/1/2018.
Tính đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần SCB, chiếm 91,5% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân trong và ngoài nước, cá nhân đứng tên giúp. Riêng bà Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm 4,98% vốn điều lệ.
Bà Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của bà vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB (Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, Trưởng ban kiểm soát), trả mức lương từ 200 – 500 triệu đồng/tháng, tặng thưởng tiền, cổ phần SCB để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.
Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Để rút được tiền từ Ngân hàng SCB , bà Trương Mỹ Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chỉ đạo các đối tượng tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các công ty thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB.
Đáng chú ý, bà Lan cho thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của mình. Cụ thể, từ năm 2020, bà Lan đã chỉ đạo hàng loạt lãnh đạo SCB thành lập 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ cho các khoản vay của bà Lan, gồm: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối doanh nghiệp, Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân.
Cả 3 đơn vị này có chức năng cho vay như các chi nhánh nhưng trực thuộc quản lý điều hành của Hội sở SCB, không có bộ phận kho quỹ và con dấu riêng mà sử dụng con dấu của đơn vị khác khi hoạt động và chỉ lập hồ sơ cho vay đối với các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan.
Từ ngày 3/6/2020 – 24/6/2022, 3 đơn vị cho vay trên đã lập hồ sơ, giải ngân cho 396 khoản vay với tổng dư nợ là 212.725 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 185.183 tỷ đồng, nợ lãi hoặc phí là 27.542 tỷ đồng.