Ngày 18/4, Ngân hàng TMCP An Bình (ABB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 và thông qua kết quả kinh doanh năm 2024 và kế hoạch kinh doanh năm 2025.
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131% so với năm 2024.
Tổng tài sản dự kiến tăng 13%, đạt 200.000 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 115.458 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tăng 16% và sẽ được điều chỉnh theo room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép theo từng thời kỳ. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới mức 3%.
Tại Đại hội, các cổ đông cũng đặt nhiều câu hỏi cho Ban lãnh đạo. Một cổ đông đặt câu hỏi: Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của ABB được duy trì dưới 3% nhưng không phải là nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp. Vậy, ngân hàng có giải pháp gì để cải thiện chất lượng tài sản?
Trả lời cổ đông, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABB, cho biết ngân hàng đã có kế hoạch cụ thể cho vấn đề xử lý nợ xấu.
Thứ nhất, ABB đã triển khai chủ trương thu hồi các khoản nợ xấu từ các chi nhánh về hội sở (HO) để xử lý tập trung, triệt để hơn. Cách làm này giúp các đơn vị kinh doanh giảm áp lực, tập trung hơn vào nhiệm vụ phát triển thị trường, đồng thời tận dụng đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao tại HO để xử lý nợ hiệu quả hơn.
Thứ hai, với phần nợ đã trích lập dự phòng đầy đủ, ngân hàng có lộ trình thu hồi cụ thể, gắn trách nhiệm đến từng cá nhân phụ trách.

Theo ông Đào Mạnh Kháng, trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và bỏ cấp huyện thì quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là khâu tố tụng tại cấp huyện chuyển xuống cấp xã sẽ gặp ách tắc trong thời gian đầu, khiến tiến độ thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm chậm lại.
“Do đó, chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào sự chủ động và sáng tạo của đội ngũ xử lý nợ, đồng thời đang kiến nghị, đề xuất một số cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ. Chúng tôi đầu tư nhân sự chất lượng, cơ chế, quy chế để trung tâm xử lý nợ có thể giải quyết xử lý nợ xấu triệt để và hiệu quả”, ông Đào Mạnh Kháng nói.
Tại Đại hội, cổ đông của ABB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131% so với năm 2024.
Tổng tài sản dự kiến tăng 13%, đạt 200.000 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 115.458 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tăng 16% và sẽ được điều chỉnh theo room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép theo từng thời kỳ. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới mức 3%.
Cùng với xử lý nợ xấu, cổ đông đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Trả lời về nội dung này, ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch HĐQT ABB, cho biết ngân hàng có định hướng phát triển trở thành ngân hàng bán lẻ nhưng trong bối cảnh biến động như hiện nay thì kế hoạch này phải lùi lại. Để đảm bảo tín dụng an toàn thì buộc các khoản vay phải có tài sản bảo đảm.
“Tôi yêu cầu Ban điều hành, làm gì thì làm, nhưng cho vay phải có tài sản đảm bảo. Tôi khẳng định rằng bất động sản không bao giờ chết. Dư địa phát triển của bất động sản còn đến mấy chục năm nữa. Do đó, tiêu chí đầu tiên khi cấp tín dụng là phải có tài sản đảm bảo là bất động sản; thứ hai là bảo đảm bằng nhà máy. Tuy nhiên, phải xem rõ chiến lược, tương lai doanh nghiệp và rủi ro bị đánh thuế đối ứng. Tôi từng làm rồi, nếu nhà máy hoạt động thì có giá trị, còn nếu không xuất khẩu được thì cũng chỉ là bãi rác”, Phó Chủ tịch HĐQT ABB nói.
Cũng tại đại hộ , ban lãnh đạo ABB cho biết năm 2025 ngân hàng sẽ tập trung tái cơ cấu bộ máy, cải tổ mô hình tổ chức, tinh gọn để linh hoạt. Đến nay, ABB đã cắt giảm 30-40% nhân sự ở một số bộ phận. Việc chuyển đổi số mạnh mẽ cho phép ngân hàng cắt giảm nhân sự nhưng vẫn rút ngắn được thời gian phục vụ khách hàng. Từ đó, giảm chi phí hoạt động, tối ưu lợi nhuận.