Trong cuộc họp mới đây với về điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Thực hiện chỉ đạo, nhiều ngân hàng cũng đưa ra các gói hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc lớn nhất về tài sản đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiếp cận vốn.
Mỗi tháng, doanh nghiệp sản xuất đồ chơi này đều cần một nguồn vốn lớn để duy trì hoạt động, họ được ngân hàng cấp sẵn hạn mức 2 tỷ đồng cho vay tín chấp. Đây là nguồn vốn không cần có bất động sản thế chấp, được cấp dựa trên đánh giá xếp hạng của ngân hàng về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc CTCP Đồ chơi An toàn Việt nêu ý kiến: “Việc tín chấp một phần giúp doanh nghiệp trang trải những chi phí phát sinh đột xuất. Ngoài ra tạo điều kiện rất lớn cho những doanh nghiệp có quy mô, khi có đơn hàng đột xuất cần phải sử dụng vốn lớn, chúng ta có thể huy động nguồn vốn để đáp ứng dự án hoạt động kinh doanh đó, chớp được thời cơ, cơ hội của hoạt động kinh doanh”.
Vay tín chấp vẫn dựa phần lớn vào chữ tín và niềm tin từ hai phía
Vay tín chấp giúp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không bị gián đoạn. Nhưng để đảm bảo hiệu quả khoản vay, các ngân hàng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để phân tích, xử lý thông tin. Ngân hàng MSB cho biết hồ sơ vay có thể làm trực tuyến và phê duyệt trong vòng 4 giờ.
Ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB cho biết: “Trước đây, đối với khoản vay khách hàng có thể mất ba đến bốn tuần để chờ đợi ngân hàng thu thập và phê duyệt giải ngân khoản vay, nhưng bây giờ có sản phẩm chúng tôi chào đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có thể tính theo giờ chứ không phải theo ngày như trước đây”.
Cũng nhằm giảm áp lực tài sản thế chấp cho người vay, ngân hàng SHB đang đẩy mạnh cho vay theo mô hình chuỗi liên kết ở tất cả các khâu: từ nông dân, tới doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối.
Ông Đinh Ngọc Dũng – Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp SHB cho biết: “Thông qua việc tài trợ chuỗi đó, về phía ngân hàng, chúng tôi cũng kiểm soát được dòng tiền của khách hàng trung tâm và các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi. Và đồng thời chúng tôi có cơ sở để giảm chi phí vốn, qua đó, giảm lãi suất cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị này”.
Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo, các ngân hàng cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần minh bạch thông tin, chia sẻ thẳng thắn với ngân hàng về tình hình kinh doanh. Bởi vay tín chấp vẫn dựa phần lớn vào chữ tín và niềm tin từ hai phía.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!