Ngày 26/04/2013, ông Trần Hùng Huy (SN 1978) chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng TMCP Á Châu khi ngân hàng này đang trong giai đoạn khó khăn bủa vây sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên cùng một số lãnh đạo vướng vòng lao lý vào tháng 8/2012. Hình ảnh tân Chủ tịch 34 tuổi xuất hiện trước truyền thông khi ấy rất nghiêm nghị trong bộ vest và mái tóc muối tiêu.
Năm 2013, tình hình hoạt động của ngân hàng dần ổn định, ACB vẫn đạt được mức độ tăng trưởng 10,3% về tiền gửi và 4,3% về cho vay. Nợ xấu được kiểm soát dưới mức 3% và thực hiện lộ trình tái cơ cấu 2013-2015 theo quy định của NHNN.
Đến cuối tháng 6/2014, chưa đầy 2 năm sau biến cố, ACB đã được Fitch nâng triển vọng tín nhiệm từ “tiêu cực” lên “ổn định” sau khi tổ chức này cho rằng, những sức ép từ rủi ro phát sinh tại ACB sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên lên hệ thống tài chính đã giảm thiểu.
Fitch giải thích: “ACB đã rất nỗ lực và vẫn tiếp tục xử lý các vấn đề. Lợi nhuận năm 2013 cũng tăng nhẹ khi ngân hàng rà soát lại bảng cân đối kế toán và tìm cách tiết giảm chi phí hoạt động. Tỷ lệ tiền gửi tăng trưởng khoảng 10% và ngân hàng vẫn tuân thủ việc duy trì tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) khoảng 78%”.
Năm 2017 – 2018 là 2 năm ngân hàng ACB liên tiếp có những kết quả kinh doanh nhảy vọt. Lợi nhuận năm 2018 của ngân hàng đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2017. Trong năm 2017, mức doanh thu của ngân hàng cũng tăng gấp 1,6 lần so với năm trước đó. Bên cạnh đó, ACB còn có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam với 0,69% vào cuối năm 2018.
Năm 2018 là năm đầu tiên kể từ khủng hoảng, lợi nhuận của ACB vượt qua mức đỉnh năm 2011 khi đạt gần 6.400 tỷ đồng trước thuế nhờ hoàn nhập dự phòng rủi ro đã trích các năm trước cho nhóm nợ liên quan đến 6 công ty của ông Nguyễn Đức Kiên.
Dường như sau khi ACB đã bước qua được những khó khăn và lấy lại thị phần, lòng tin của khách hàng thì hình ảnh của Chủ tịch Trần Hùng Huy cũng dần trở nên trẻ trung, năng động và gần gũi hơn với việc công khai trang facebook cá nhân cùng những hình ảnh cuộc sống thường ngày….
Cũng trong năm 2018, lần đầu tiên Chủ tịch Trần Hùng Huy xuất hiện với một hình ảnh khác trước công chúng. Trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ngân hàng Á Châu (ACB), Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy đã cùng ekip đã thể hiện tài năng của mình bằng màn vũ đạo và hát nhiều “hot hit” đặc sắc “Ngày mai em đi”, “Attention”, “Uptown Funk”, “Sau tất cả”…
Năm 2019 là năm bắt đầu thực hiện chiến lược đổi mới ACB giai đoạn 2019 – 2024 được HDQT thông qua cuối năm 2018. Theo chiến lược này, tầm nhìn của ACB là trở thành ngân hàng hàng đầu Việt Nam có khả năng sinh lời cao với chiến lược nhất quán ở ba mảng kinh doanh. Mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa là hai mảng ưu tiên chính, và mảng khách hàng doanh nghiệp lớn là ưu tiên có chọn lọc.
Mục tiêu chiến lược của ngân hàng là tăng trưởng tổng doanh thu của mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 20%/năm, đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng và là một trong các ngân hàng có khả năng sinh lời tốt.
Liên tiếp từ 2019 đến nay, ACB luôn đạt được mức tăng trưởng dương về lợi nhuận và quy mô.
Đến 2022, ACB ghi nhận lãi trước thuế 17.114 tỷ đồng, tăng 42,6% so với năm trước đó. Hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE đạt 26,5% ở trong TOP đầu thị trường, NIM tới 4% nhờ tập trung chiến lược bán lẻ, cấu trúc nguồn vốn và lãi suất linh hoạt trong bối cảnh thị trường biến động.
Tổng quy mô đến cuối 2022 về tiền gửi khách hàng là 413.953 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 413.706 tỷ đồng. ACB cũng cho biết đã cơ bản tuân thủ toàn bộ các cấu phần trọng yếu trong bộ khung quản trị thanh khoản và an toàn vốn theo Basel III.
Kết thúc quý I/2023, ngân hàng này đạt gần 5.157 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 25% so với cùng kỳ, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh năm 2023.