Theo World Federation of Exchanges, hiệp hội toàn cầu cho các sở giao dịch chứng khoán và các cơ quan thanh toán trung gian, tính đến cuối tháng 10, tổng vốn hóa thị trường của các công ty nội địa niêm yết tại Ấn Độ là 3,7 nghìn tỷ USD, gần bằng 3,9 nghìn tỷ USD của Hồng Kông.
Người đứng đầu bộ phần chứng khoán Ấn Độ Abhiram Eleswarapu tại BNP Paribas ở Hồng Kông, cho biết trong thập kỷ qua, các chỉ số chứng khoán của Ấn Độ đã “biến động khá nhiều”. Diễn biến này như một phần trong câu chuyện chung về các thị trường mới nổi.
Vị chuyên gia cho biết thêm rằng mức tiêu dùng mạnh mẽ ở Ấn Độ đang thu hút các nhà đầu tư. Người giàu Ấn Độ đang chi tiêu nhiều hơn vào bất động sản, hàng xả xỉ và cao cấp. Bên cạnh đó, chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng ngày càng tăng.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2023, dự kiến tăng trưởng 6,3% trong năm nay.
CEO và co-Founder Pratik Gupta tại Kotak Securities ở Mumbai cho biết: “Khi nhìn khắp thế giới, bạn sẽ thấy không có nhiều quốc gia có tăng trưởng GDP thực bền vững ở mức 6% trong 15-20 năm tới”.
CEO Gupta cho biết các công ty Ấn Độ đang tiếp tục giảm nợ. Quá trình này đã diễn ra trong vài năm. Họ đã trả hết nợ và phát hành vốn cổ phần – xu hướng tăng nhanh trong thời gian đại dịch. Công ty con Tata Technologies của Tata Group đã có màn ra mắt thị trường ấn tượng vào tháng 11, huy động được 365 triệu USD trong đợt IPO.
Trong khi đó, nhiều công ty nước ngoài đang tìm cách phát triển các cơ sở sản xuất tại Ấn Độ. Chẳng hạn như Tesla đã có cuộc đàm phán với các quan chức chính phủ Ấn Độ về khả năng thành lập một nhà máy ở nước này để sản xuất ô tô điện.
Phần lớn thời gian trong năm nay, giá cổ phiếu Ấn Độ tăng là bởi dòng tiền trong nước nhiều hơn là nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài hiện mua ròng cổ phiếu Ấn Độ sau khi bán ròng vào tháng 9 và tháng 10.
Theo Financial Times