Cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) tràn vào thị trường chứng khoán có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khó lòng cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Đó là nhận định của nhà kinh tế trưởng Torsten Slok của Apollo Global Management. Theo ông Slok, FED có thể sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay, dù cho các quan chức dự kiếm cắt giảm 75 điểm cơ bản trong năm 2024.
Dự đoán của Slok một phần là do bong bóng đang khuấy động cơn sốt trên thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư vẫn bị thu hút bởi sự hấp dẫn của những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực AI như Nvidia.
Slok nói với Financial Times: “Chúng ta hoàn toàn đang ở trong một bong bóng AI và tác dụng phụ của điều đó là khi cổ phiếu công nghệ tăng giá, điều kiện tài chính sẽ nới lỏng. Điều đó khiến công việc của FED trở nên khó khăn hơn rất nhiều”.
Các điều kiện tài chính lỏng hơn đi ngược lại các mục tiêu thắt chặt chính sách của FED. Trong khi đó, ngân hàng trung ương vẫn theo dõi sát sao lạm phát và giá tài sản.
Lãi suất hiện vẫn đang ở mức cao nhất kể từ năm 2001. Trong khi lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh vào mùa hè năm 2022, giá vẫn dao động cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của FED. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,2% trong tháng 2.
Slok và các nhà kinh tế khác đã cảnh báo lạm phát có thể ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều này có nghĩa là FED có thể đẩy thời hạn cắt giảm lãi suất sang năm 2025. Nhà kinh tế hàng đầu Mohamed El-Erian gần đây cảnh báo áp lực chuỗi cung ứng vẫn tồn tại trong nền kinh tế, điều này cho thấy giá cả có khả năng cao dai dẳng hơn so với trước đây.
Slok cho biết FED thậm chí có khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay, nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng tốc. Theo dự báo GDPNow mới nhất của FED Atlanta, GDP dự kiến sẽ tăng 2,1% trong quý này.
Slok nói thêm rằng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn cũng có nguy cơ gây biến động trong hệ thống tài chính. Ông chỉ ra gánh nặng nợ trong các lĩnh vực như bất động sản thương mại Mỹ. Chi phí vay cao hơn có thể khiến một số con nợ phá sản, dẫn đến nhiều rắc rối hơn cho ngân hàng khu vực.
Theo MI