Tháng 6, Nhật Bản ghi nhận lạm phát ở mức 3,3% – cao hơn lạm phát của Mỹ lần đầu tiên trong 8 năm trở lại đây. Nền kinh tế phát triển nhất châu Á không còn là ngoại lệ trong bức tranh lạm phát toàn cầu.
Áp lực giá cả ở Nhật Bản – nơi đã chìm trong giảm phát suốt 3 thập kỷ vừa qua – tỏ ra dai dẳng hơn và có phạm vi rộng hơn so với dự báo. Điều này làm gia tăng áp lực lên NHTW Nhật Bản, cơ quan sẽ có cuộc họp quan trọng trong tuần tới và đang được các nhà đầu tư kêu gọi thắt chặt chính sách tiền tệ vốn đang siêu lỏng lẻo.
Hiện Nhật Bản vẫn là nơi duy nhất trên thế giới có lãi suất âm. Do đó việc NHTW nước này đảo ngược chính sách tiền tệ sẽ gây ra những tác động rất lớn đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Theo số liệu mới được công bố, chỉ số lạm phát lõi (loại trừ giá thực phẩm tươi sống) tăng 3,2% trong tháng 5 và 3,3% trong tháng 6. Nguyên nhân chủ yếu là do giá điện tăng mạnh.
Trong khi đó, chỉ số lạm phát tháng 6 của Mỹ là 3%. Lần đầu tiên kể từ tháng 10/2015 lạm phát của Nhật Bản cao hơn Mỹ. Cục dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất từ mức 0% ở thời điểm đầu năm 2022 lên hơn 5%.
NHTW Nhật Bản (BoJ) cho rằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế, bởi lạm phát ở Nhật không đến từ lực cầu tiêu dùng và sẽ sớm hạ nhiệt khi giá hàng hóa cơ bản mà nước này nhập khẩu giảm xuống.
Lập luận này tỏ ra khá đúng đắn khi chỉ số lạm phát siêu lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, tương tự như chỉ số CPI lõi ở các quốc gia khác) đã giảm từ 4,3% xuống còn 4,2%.
Tuy nhiên Yoshiki Shinke, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, vẫn cho rằng còn có nhiều điểm cần cẩn trọng. Các công ty sẵn sàng chuyển gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng, và các doanh nghiệp lớn đang tăng lương.
“Nếu đó là lạm phát chi phí đẩy điển hình, giá cả sẽ giảm mạnh sau khi giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá vẫn sẽ kéo dài hơn rất nhiều so với dự đoán ban đầu. Ở ngưỡng 3-4%, lạm phát của Nhật Bản rõ ràng là không còn thấp nữa”.
Tuần này, thống đốc NHTW Nhật Bản Kazuo Ueda phát tín hiệu sẽ duy trì các biện pháp nới lỏng trong cuộc họp tuần tới. “Chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách ổn định và lâu dài”, ông nói.
Những bình luận của ông Ueda khiến đồng yên giảm giá mạnh so với USD. Dẫu vậy, chuyên gia kinh tế Masamichi Adachi của UBS vẫn dự báo BoJ sẽ nới rộng biên độ giao dịch đối với trái phiếu chính phủ và nâng triển vọng lạm phát trong cuộc họp tuần tới.
Tháng 12 năm ngoái, BoJ tuyên bố cho phép lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giao động 0,5 điểm phần trăm so với mức mục tiêu 0%. Trước đó mức độ giao động chỉ giới hạn ở 0,25 điểm phần trăm.