Món ngon từ… mít
Ở miền Trung, hay ở Quảng Trị nói riêng, mít là một cây trồng quen thuộc. Trồng mít để lấy thân làm gỗ và quả mít để ăn. Ở Quảng Trị, các vùng đất đỏ bazan là nơi trồng nhiều mít, chè và tiêu, tạo thành những vườn cây sum suê. Gio Linh là vùng đất đỏ bazan như vậy: “Tham chi ba trái mít non/ Lấy chồng Hà Thượng bỏ con tồi tàn” (Ca dao). Phía ngoài Gio Linh là huyện Vĩnh Linh- nơi đây có nhiều vùng đất đỏ, nên cây mít được trồng rộng rãi, đến mùa trái mít rất rẻ. “Đưa em cho tới Nhà Hồ (1)/ Em mua trái mít em bồ (bù) trái thơm” (Ca dao). Tuy vậy, cây mít được trồng nhiều nhất vẫn ở xứ Cùa (huyện Cam Lộ): “Anh đưa em ngược đất Cùa/ Những đồi sim cỗi cằn nắng cháy/ Trái mít non ai vừa mới hái/ Đủ xé lòng với hạt tiêu cay” (thơ Tạ Nghi Lễ).
Cây mít, mùa ra trái non.
|
Mít là loại cây ăn quả, thân gỗ nhỡ, cao từ 8 đến 15 mét, lá thường xanh. “Mồm gàu dai, tai lá mít, đít lồng bàn” (Ca dao) là kinh nghiệm chọn trâu của ông cha ta đúc kết. Cây mít trồng ba năm mới có quả: “Ba năm mít mới đóng đài/ Hoa thơm nở rộ, hoa xoài nở đua” (Ca dao). Mít ra quả vào mùa xuân, chín vào mùa hè. Quả mít có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, khi chín có vị ngọt, có loại mít ráo (mít dai) và mít ướt (mít mật). “Thân em như quả mít trên cây/ Da nó xù xì, múi nó dày” (thơ Hồ Xuân Hương).
Mít là cây trồng quen thuộc ở nông thôn Quảng Trị. “Đất cát lại gió Lào/ Vẫn mít và sắn ấy/ Đây quê mẹ rồi sao/ Bước chân con dừng lại” (Quê mẹ- Chế Lan Viên). Trồng mít để lấy gỗ làm nhà, đóng đồ đạc. Ngày trước, nhà nào có cột bằng gỗ mít, bàn ghế, giường tủ bằng gỗ mít là nhà giàu, vì gỗ mít không bị mối mọt, càng dùng càng bền, lên nước gỗ bóng loáng. Trồng mít còn có trái để ăn. Quả mít non dùng để bóp thấu (làm gỏi), nấu canh, kho cá; mít chín có nhiều múi, ăn tươi có vị ngọt, ngoài ra được sấy khô; hạt mít ăn ngon, có thể luộc, rang, hấp; xơ mít dùng để làm dưa muối.
Ngày trước, ở vùng quê nghèo như Quảng Trị, con người phải biết khéo vén, lanh trí. Một trái mít non, người ta cũng làm nhanh được ba món: xắt thấu xào; luộc chín, xắt thấu trộn rau răm cùng đậu phộng rang; luộc cắt miếng kẹp rau thơm chấm ruốc hay mắm nêm. Mít non hái từ vườn sẽ được cắt bỏ cuống khoảng 5 phân, rồi dùng một cây cọc nhọn, đóng đầu nhọn vào phần lõi vừa cắt của trái mít. Tiếp đến, một tay nắm cọc đã đóng, tay kia cầm dao để gọt vỏ. Sau đó, cắt dọc từng miếng nhỏ, dày khoảng 5 xăng-ti-mét. Rửa sạch mủ, lạng bỏ lõi mít và bỏ vào nồi nước sôi để luộc. Chỉ nên luộc chín tới để khi chế biến ra thành phẩm mới ngon. Nếu dùng “xắt phay” thì xắt dày, trộn với vài cọng rau thơm như rau húng, rau màu để chấm ruốc hoặc mắm nêm; chén nước chấm thêm chút tỏi, ớt ăn kèm thật ngon và bùi. Nếu để trộn, chỉ cần xắt mít miếng nhỏ. Mít non trộn tép khô, tuy dân dã nhưng cực kỳ ngon miệng. Chỉ cần lấy một lon tép khô, rửa sạch, để ráo. Cho vào chảo nóng một ít dầu phộng rồi vài tép tỏi đập dập. Khi dầu phộng đã dậy mùi thơm thì bỏ tép vào, nêm nếm nước mắm và gia vị, sau đó bỏ mít non đã xắt nhỏ vào, đảo đều nhiều lần. Món ăn muốn thêm đậm đà thì nên ăn kèm với một ít đậu phộng rang giã nhỏ, rau húng, rau răm, rau màu và bánh tráng nướng vàng giòn rụm.
Món mít non thấu (gỏi mít).
|
Mít non còn dùng để nấu canh, mà đặc sắc nhất là nấu với nhái đồng khô. Nhái đồng bắt về, lột hết da và ruột, rửa sạch, phơi khô. Khi nấu canh với mít non thì đem nhái đồng khô giã nhuyễn. Món này, nhất thiết phải có lá lốt. Thịt nhái đồng đã ngon ngọt nên nồi canh không cần gia vị bột ngọt nữa. Không hiểu sao, mít non nấu canh với nhái đồng khô với vị lá lốt nó quyện với nhau thành món ăn quá ngon ngọt, được ăn món canh này vào những ngày nắng nóng thì thật khoan khoái, thơm ngon. Mít non còn được nấu với cá chuồn: “Ai lên nhắn với trên nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” (Ca dao); món ăn ngon còn thấm đẫm giao hòa, đùm bọc giữa miền Biển với miền Thượng.
Hạt mít chín còn là lương thực dự trữ. Cha tôi kể, vùng Cùa ngày trước bạt ngàn vườn mít. Đến mùa mít chín, trái rụng đầy vườn, không ai ăn hết. Các chủ vườn cho người làm bổ mít ra, chỉ lấy hạt. Hạt mít chín phơi khô, đến mùa đói kém được hấp khi nấu cơm, thay cho khoai sắn. Hạt mít chín ăn rất bùi, còn thơm mùi mít chín, theo mãi từ những ngày còn thơ.
Nói đến mít, trong ký ức tôi còn hai kỷ niệm ấn tượng. Thứ nhất, ngày còn đi học tiểu học, mỗi khi không thuộc bài hay nghịch ngợm, thầy giáo phạt bằng cách quỳ trên vỏ xơ mít. Vỏ xơ mít có gai nhọn, tuy không nhọn đến mức làm chảy máu đầu gối nhưng quỳ thẳng trên tấm gai nhọn cũng đau tê tái, máu tụ bầm lại. Bị phạt đánh roi mây và quỳ trên vỏ xơ mít là ký ức hãi hùng của những học trò đã từng học tiểu học những năm 60 của thế kỷ trước, ở miền Nam, chắc đã từng trải qua. Thứ hai là kỷ niệm êm đẹp về những ngày đi hái dái mít để ăn. Ở quê, hầu như nhà nào cũng trồng mít, đến mùa tầm tháng 2, tháng 3 âm lịch khi tiếng tu hú gọi bầy vọng về trong không trung là mít có trái, người lớn không đếm xỉa đến dái mít, bọn trẻ con mặc sức mà hái. Dái mít hái về, xắt nhỏ, trộn với muối hạt, ớt mọi, gói vào lá chuối, rồi dằn giữa hai thớt của cối xay lúa. Đến khoảng 15 phút sau thì đem ra ăn, dái mít có vị chát nhưng đã được hòa vào vị mặn của muối, vị cay của ớt nên có vị ngọt bùi sau khi ăn, vừa ăn vừa hít hà, xuýt xoa. Những “bữa tiệc dái mít” như vậy là những bữa đại tiệc của lũ bạn thời tuổi thơ, cứ vang vọng mãi trong ký ức, thấm đẫm hương vị quê nhà.
(1) Nhà Hồ: nay là Hồ Xá (thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Nhà Hồ còn ở trong câu: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” (Ca dao).
Nhà văn Nguyễn Linh Giang – Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh