Nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới
Có thể nói năng lượng không chỉ là thứ đảm bảo huyết mạch cho sự phát triển mà còn là một trong những vấn đề cấp bách của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Và nói về việc phát triển các nguồn năng lượng trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, năng lượng tái tạo đang ngày càng được tập trung chú ý.
Là quốc gia có lãnh thổ rộng lớn, dân số đông, vấn đề năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng của Trung Quốc cũng là một tâm điểm chú ý của quốc tế.
Những năm qua Trung Quốc đã đạt được một số thành công trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời.
Trung Quốc hiện không chỉ là nước sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới mà còn nằm trong những nước dẫn đầu trong việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện mặt trời.
Khu vực Talatan thuộc Tỉnh Thanh Hải có độ cao gần 3.000 mét, 98% diện tích đất đai là sa mạc Gobi cằn cỗi.
Do khí hậu khắc nghiệt nên nơi này gần như không có người ở. Tuy nhiên sự hoang vắng này cũng khiến nơi đây trở thành lý tưởng để xây dựng nhà máy điện mặt trời.
Hàng năm nơi đây có hơn 3.000 giờ nắng gắt, mang lại điều kiện tuyệt vời để khai thác năng lượng.
Vào năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư xây dựng một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn ở Talatan.
Sau 10 năm, diện tích của nhà máy đã đạt 609 km2, cung cấp hơn 20 tỷ KWh điện cho các khu vực lân cận và trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới.
Lùa cừu vào nhà máy điện?
Để làm sạch các tấm pin mặt trời, nhà máy hiện sử dụng nước được bơm lên từ sông Hoàng Hà.
Tuy nhiên gió cát mạnh trong khu vực đem đến những rắc rối lớn, các tấm pin mặt trời thường bị cát bao phủ và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất.
Để vượt qua thách thức này, các kỹ sư của nhà máy đã làm một điều rất đặc biệt đó là trồng một lượng lớn cỏ bụi Achnatherum splendens.
Loại cỏ này không chỉ tăng cường khả năng giữ nước và cố định cát của đất mà còn cung cấp cho các tấm pin mặt trời một rào cản tự nhiên chống lại gió và cát.
Tuy nhiên, khi bên dưới các tấm quang điện bắt đầu trở nên mát mẻ, cỏ dại đã mọc tràn lan không kiểm soát và nhanh chóng nhấn chìm các tấm pin mặt trời.
Ban đầu nhà máy cố gắng giải quyết vấn đề bằng nhân lực.
Hàng nghìn công nhân tạm thời đã được nhà máy tuyển dụng để làm cỏ, tuy nhiên do sức sống của cỏ dại rất bền bỉ, mọi thứ lại “đâu vẫn đóng đấy” chỉ sau một thời gian ngắn.
Đã có một số ý kiến về thuốc diệt cỏ, những nhà kính khổng lồ để cách ly thực vật ngoại lai… tuy nhiên tất cả đều có thể tác động tiêu cực đến môi trường hoặc không giải quyết được hoàn toàn vấn đề cỏ dại.
Khi các nhà quản lý đã sẵn sàng bỏ cuộc, thì những người chăn nuôi gần đó đã nảy ra một ý tưởng kỳ lạ đó là đưa gia súc vào để ăn cỏ dại và “biến vấn đề thành cơ hội”.
Ban đầu, đề xuất này vấp phải sự hoài nghi về việc gia súc có thể tổn hại đến thiết bị – nhưng sau nhiều lần thực nghiệm – nhà máy điện đã quyết định thí điểm kế hoạch này.
“Giải quyết vấn đề toàn cầu”?
Kết quả đạt được rất khả quan, những con cừu rất “nhiệt tình” với cỏ dại nhưng lại không quan tâm đến cơ sở vật chất, thiết bị và việc giảm cỏ dại giúp cải thiện đáng kể hiệu suất phát điện.
Đồng thời, đàn cừu cũng phát triển mạnh nhờ có đủ thức ăn mang lại cơ hội mới cho phát triển kinh tế địa phương.
Dự án “cừu điện mặt trời” này còn mang lại những lợi ích sinh thái khác. Không những cỏ dại bên trong nhà máy điện đã được kiểm soát mà quá trình bán hoang mạc hóa cũng được kiềm chế.
Những động vật hoang dã cũng đã hồi sinh và nhà máy điện trở thành môi trường sống của các loài động vật và thực vật hoang dã.
“Cừu điện mặt trời” ở Trung Quốc là một ví dụ sinh động về những lợi ích của năng lượng tái tạo mà còn thể hiện khả năng sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Trong tương lai, năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục là động lực phát triển của Trung Quốc và cũng sẽ mang lại nhiều hy vọng cho sự phát triển bền vững của toàn cầu.