Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới công bố báo cáo tài chính quý 2 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 6.943 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi cao nhất lịch sử mà BIDV đạt được trong một quý.
Động lực giúp BIDV tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc chi phí dự phòng giảm 35% xuống còn 4.192 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 13,9% do nhiều mảng kinh doanh chủ chốt sụt giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIDV đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Với con số này, BIDV đã vượt Techcombank trở thành ngân hàng có lợi nhuận nửa đầu năm cao thứ hai hệ thống, chỉ sau Vietcombank (20.500 tỷ). Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2017, BIDV có lãi bán niên cao hơn Techcombank. Trước đó, BIDV đã liên tiếp để ngân hàng tư nhân này vượt mặt trong 5 năm gần nhất.
Trong nửa đầu năm, thu nhập lãi thuần – nguồn thu chính của BIDV – tăng nhẹ 1,1% lên mức 27.743 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 14,8% lên 3.189 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 20,5%, đạt 1.457 tỷ đồng; chứng khoán kinh doanh chuyển từ mức lỗ 68 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022 sang lãi 179 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm hơn một nửa xuống còn 29 tỷ đồng; thu nhập từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm 28%, chỉ mang về cho BIDV hơn 2.000 tỷ đồng.
Tựu chung các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của BIDV trong 6 tháng đầu năm đạt 34.784 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 17,7% khiến lợi nhuận thuần giảm hơn 5% xuống còn 23.582 tỷ đồng.
Tuy nhiên nhờ chi phí trích lập dự phòng rủi ro giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, BIDV vẫn có được mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 26%.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản BIDV ở mức gần 2,125 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với hồi cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7% lên hơn 1,629 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,9%, đạt xấp xỉ 1,546 triệu tỷ đồng với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 17% (hồi cuối năm 2022 là 18,9%).
Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 47% trong 6 tháng đầu năm lên 25.970 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 145% lên gần 7.730 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 96% lên 5.278 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 10% lên 12.963 tỷ đồng.
Với sự gia tăng nhanh chóng của nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của BIDV đã tăng từ mức 1,16% hồi cuối năm 2022 lên mức 1,59%. Trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 217% xuống còn 153%.