Doanh số bán lẻ Mỹ tăng vượt dự kiến trong tháng 9
Một trong những dữ liệu kinh tế nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư trong phiên giao dịch vừa qua là doanh số bán lẻ của Mỹ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, bất chấp tình trạng lạm phát, lãi suất vẫn ở mức cao và lo ngại về suy giảm kinh tế, người Mỹ vẫn tăng mạnh chi tiêu trong tháng 9.
Các số liệu mới công bố cho thấy, doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 9 tăng 0,7% so với tháng 8, cao hơn gấp đôi so với dự báo của giới chuyên gia. Kết quả này được hỗ trợ đáng kể bởi khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, khi mức lương người lao động vẫn tăng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Việc doanh số bán lẻ có tháng tăng thứ 6 liên tiếp phản ánh nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng, với triển vọng tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng cũng cho thấy, những nỗ lực của FED nhằm hạ nhiệt chi tiêu và thắt chặt thị trường lao động để kiềm chế lạm phát, vẫn chưa mang lại nhiều kết quả.
Nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt không ít thách thức trong năm tới. (Ảnh minh họa – Ảnh: AP)
FED có thể phải đối mặt với làn sóng lạm phát lần 2
Báo cáo mới về doanh số bán lẻ, các số liệu lạm phát vượt dự kiến được công bố hồi tuần trước và đà tăng của giá dầu trong thời gian gần đây cho thấy, FED vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể đưa tỷ lệ lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2%.
Theo nhận định của báo chí Mỹ, thay vì có thể “tuyên bố chiến thắng” trong cuộc chiến chống lạm phát, hiện FED sẽ phải đối mặt với một “cuộc chiến” căng thẳng và kéo dài hơn.
Cuộc chiến chống lạm phát của FED đang có những điểm lợi, nhưng cũng có những bất lợi. Điểm thuận lợi là lạm phát tháng 9 vừa công bố tăng ở mức kiểm soát được. Tuy nhiên bất lợi là bước sang tháng 10, lạm phát đang chịu sức ép mới từ giá dầu khi xung đột từ Trung Đông chưa thấy điểm dừng.
Trang Marketwatch bình, các nhà chiến lược đang cảnh báo cuộc xung đột có thể lan rộng ra ngoài Gaza, đe dọa nguồn cung dầu và ảnh hưởng lên các thị trường tài chính. Vì vậy, giới tài chính lo ngại khả năng xảy ra làn sóng lạm phát thứ 2 tại Mỹ mà chưa được đo đếm đầy đủ. Đáng lo hơn, làn sóng đó có thể đến khi FED họp vào 31/10, nhưng lại chưa có phương án hành động.
Nhật báo phố Wall đồng tình là với báo cáo lạm phát tháng 9 FED chưa thể “tuyên bố chiến thắng” được. Theo bài báo, tin tốt là mức tăng đã chậm lại rõ so với mức cao nhất trong 40 của năm ngoái, đặc biệt là với lạm phát cơ bản hay lạm phát “lõi” vốn không gồm giá thực phẩm và năng lượng. Tuy nhiên tin xấu là lạm phát lõi ấy sau khi giảm mạnh vào mùa hè, nay lại tăng nhẹ trở lại. Do đó, thành viên của FED, Christopher Waller bình: Chúng tôi đang ở thời điểm phải chờ và xem điều gì xảy ra tiếp…”.
Sức ép phải tiếp tục giữ lãi suất cao là quá rõ với FED vào lúc này. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, FED vẫn đang tiếp tục nhận được những sức ép mới đến từ cả các lĩnh vực, những công ty tưởng vẫn có thể làm ăn tốt trong thời lãi suất cao.
Trang Reuters có bài lãi suất cao ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, vì vậy năm nay phố Wall vẫn phải giảm thưởng. Theo đó, khối ngân hàng chịu nặng nhất, phải cắt giảm hàng nghìn nhân viên trong năm nay. Lợi nhuận trước thuế của các công ty chứng khoán chỉ đạt 13 tỷ USD trong nửa đầu năm, giảm 4,3% so với năm 2022. Vì vậy, trả thưởng ở phố Wall năm nay có thể sụt tiếp 16% khi lãi suất vẫn cao và kéo dài. Mức giảm của năm 2022 là 29%.
Một bài báo khác của Nhật báo phố Wall viết lãi suất cao hơn và giữ lâu hơn đang đe dọa các công ty công nghệ tài chính (Fintech) như Paypal, Affirm hay Block. Có 2 lý do, một là tăng lãi suất, nghĩa là làm chậm tăng trưởng kinh tế, gây áp lực lên cả nhóm người tiêu dùng đặc biệt, những người thường thích vay từ Fintech hơn là ngân hàng. Thứ hai, lãi suất cao khiến chi phí đi vay của các công ty này cao, giảm tỷ suất lợi nhuận nên các công ty nhỏ, nếu không chịu nổi, có thể dẫn tới nguy cơ phá sản, rời cuộc chơi…
Cuộc họp gần nhất của FED sẽ kết thúc vào ngày 1/11 tới đây. Phố Wall vẫn đặt cược hơn 90% vào việc FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất. Tuy nhiên với cuộc họp tháng 12, cơ hội giữ nguyên này đã giảm dần, khả năng nâng lãi suất tiếp đã tăng lên mức 30%.
Cuộc chiến chống lạm phát vẫn phức tạp, kinh tế Mỹ đối mặt nhiều rủi ro
Để có thêm thông tin về quan điểm của giới chức FED đối với diễn biến lạm phát hiện nay, giới đầu tư sẽ tập trung sự chú ý vào những bình luận của Chủ tịch FED Jerome Powell khi ông có bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York vào thứ Năm tuần này.
Theo các chuyên gia, với việc cuộc chiến chống lạm phát vẫn đang rất phức tạp, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt không ít thách thức trong năm tới, đặc biệt khi sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ không còn mạnh mẽ như hiện nay.
Đến nay, mọi dự báo về suy thoái kinh tế Mỹ trong năm 2023 đều tỏ ra không chính xác, ngay cả khi lạm phát ở mức cao và lãi suất tăng nhanh. Lý do là bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ từ thời đại dịch đã hỗ trợ đáng kể cho nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ cũng cho thấy sự chi tiêu bền bỉ vượt dự kiến, khi sẵn sàng cắt giảm mức tiết kiệm để bỏ tiền mua sắm.
Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy, các hộ gia đình Mỹ đang đối mặt với áp lực lớn hơn do lạm phát và cảm thấy cần phải thắt chặt hầu bao.
“Giá cả vẫn còn rất cao và dai dẳng. Vì vậy, với những người tiêu dùng hay hộ gia đình, có mức tăng lương không theo kịp tốc độ lạm phát, họ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, thất vọng với sự leo thang của giá cả”, bà Yelena Maleyev, chuyên gia kinh tế KPMG Economics, nhận định.
Giới phân tích hiện vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng kinh tế Mỹ. Trong cuộc khảo sát hàng quý mới nhất của Thời báo Phố Wall, các chuyên gia đã hạ khả năng xảy ra suy thoái trong năm 2024 của Mỹ xuống 48%. Đây là lần đầu tiên xác suất này rơi xuống dưới ngưỡng 50% kể từ giữa năm 2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Eurasia Group cảnh báo, nhu cầu giảm mạnh, người tiêu dùng suy giảm niềm tin vào triển vọng kinh tế, giá dầu cao và những diễn biến bất lợi ở bên ngoài, vẫn sẽ khiến kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024. Trong khi đó, chính sách tiền tệ không thế giải quyết vấn đề này do lo ngại về lạm phát. Vì vậy, một kịch bản tiêu cực rất dễ xảy ra là hoạt động kinh tế sẽ giảm mạnh, trong khi lạm phát vẫn cao dai dẳng (lạm phát đình trệ).