Kim Long mỹ tửu!
Nằm ở cách huyện lỵ Hải Lăng hơn 30 ki-lô-mét về phía đông bắc, Kim Long là một làng quê thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, ngôi làng nổi tiếng bao thế kỷ với loại thức uống làm say đắm lòng người- rượu Kim Long. Sách “Đại Nam nhất thống chí” (1) biên soạn từ đời vua Tự Đức, quyển thứ 8, ở mục “Thổ sản” có ghi: “Rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết, có thuế”. Thời thuộc Pháp, rượu Kim Long đã được dán nhãn: “Kim Long mỹ tửu”, người Pháp quản lý việc nấu và phân phối rượu; rượu Kim Long sản xuất ra, một phần nhỏ được tiêu thụ khắp lãnh thổ Việt Nam thời bấy giờ, còn phần lớn được mang lên tàu chở về Pháp và từ đó xuất cảng khắp thế giới. Còn người Quảng Trị có câu ca dao nhẹ nhàng đưa đẩy: “Chẳng vui cũng thể xứ Đông/ Chẳng ngon cũng rượu Kim Long gọi là!”.
Nấu rượu Kim Long truyền thống
|
Kim Long là một trong số các làng được hình thành khá sớm trên vùng đất Hải Lăng. Trong danh mục các làng xã được Lê Quý Đôn chép ở trong “Phủ Biên tạp lục” thì làng Kim Long là một trong 15 xã, phường thuộc huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong (2). Từ xa xưa trong lịch sử, Kim Long vốn rất nổi tiếng với nghề nấu rượu. Đây là một nghề thủ công truyền thống, hình thành từ lâu đời và nổi tiếng từ thời các triều đại phong kiến, lưu danh ở thời Pháp thuộc và phát triển đến ngày nay. Thời phong kiến, rượu nấu ở làng Kim Long được đóng vào các chum, vại sành, theo đường sông Vĩnh Định, chuyên chở bằng đường thủy vào Huế để tiến vua. Rượu Kim Long trong veo như nước mưa, rượu nấu trong nồi đồng nên có vị cay rất đặc trưng. Uống miếng rượu vào như nhẹ không, nhưng rồi cảm giác nóng ran, rồi nghe rất rõ rượu đi đến từng tế bào. Rượu Kim Long dù “nặng” nhưng uống vào không khắt, không sốc, hương thơm qua mũi thoảng ra ngoài, còn vị ngọt xuống cổ thấm vào trong, lan đi khắp cơ thể. Càng uống, men rượu bừng bừng trên má, trên môi, đôi mắt lấp lánh như đứng trước bạn tình. “Chung nhau mấy chén rượu đầy/ Không say men rượu, lại say men tình” (Ca dao).
Rượu Kim Long được nấu hoàn toàn theo phương pháp thủ công, vẫn chỉ dùng một chiếc lao bằng gỗ, nồi nấu bắt buộc phải dùng nồi đồng. Các yếu tố tạo nên chất lượng rượu Kim Long, đó là nước, gạo và men. Ở Kim Long, nguồn nước tự nhiên được tinh lọc qua rất nhiều tầng đất cát nên rất sạch và trong. Còn gạo ở đây (gạo Chiêm), vốn được nuôi dưỡng trên một vùng thổ nhưỡng với nước trong và cát trắng nên có nhiều tính chất khác với các nơi khác. Cho dù chọn các loại gạo đặc biệt tại các vùng khác đem nấu thì vẫn không thể đạt đúng chuẩn của rượu Kim Long thuần túy. Đối với men thì được chế biến theo công thức bí truyền riêng, phù hợp với thời tiết địa phương nên có chất lượng đặc trưng, cho ra sản phẩm rượu đặc biệt mang tính độc quyền. Đến nay, dù có nhiều thay đổi, đã có những phương pháp nấu rượu hiện đại có thể nấu được nhiều rượu hơn, nhưng kế thừa tiếng thơm trong lịch sử, người dân làng Kim Long vẫn lưu giữ cách nấu rượu truyền thống. Có như vậy mới giữ được chất lượng và hương vị đặc trưng truyền thống đã tồn tại qua bao đời nay của rượu Kim Long.
Rượu Kim Long, men sau 5 ngày đêm ủ liên tục, 3 kg gạo cho ra một lít rượu.
|
Theo các bậc thức giả, Việt Nam có “Tứ đại danh tửu” (bốn loại rượu ngon nổi tiếng): miền Bắc có rượu Làng Vân (Bắc Giang); ở miền Trung có hai địa phương có rượu ngon: rượu Kim Long (Quảng Trị) và rượu Bàu Đá (Bình Định); miền Nam có rượu Gò Đen (Long An). Với nghề nghiệp phóng viên, tôi đã từng đi khắp đất nước và đã thưởng thức đủ bốn loại rượu này. Tôi còn nhớ vào năm 1983, lúc học ở Hà Nội, một người bạn cùng lớp ở Hà Bắc đã mời tôi thưởng thức rượu Làng Vân. Thời đó, đang lúc ngăn sông cấm chợ, rượu bị cấm; bạn tôi đựng rượu trong bong bóng trâu, ép chặt trong cặp, đưa từ quê lên. Rượu Làng Vân cao độ (trên 45 độ), trong vắt, rót ra sủi bọt quanh chén. Rượu Làng Vân uống êm và đằm, càng uống càng tỉnh, người lâng lâng, say mà tỉnh. Còn rượu Bàu Đá (Bình Định) và rượu Gò Đen (Long An) cũng là hai loại rượu ngon, uống vào rất bốc; tuy vậy, còn kém vị ngọt hậu.
Nếu có dịp, bạn nên về làng Kim Long để thưởng thức Kim Long mỹ tửu, nhất là nước rượu đầu. Phải là người uống rượu mới biết thế nào là nước rượu đầu. Ngồi bên lò rượu, từng giọt cất đang chảy ra nóng hổi. Rượu còn ướt trên môi đã thấy mình lâng lâng, từng chút rượu li ti lan tỏa đến từng vi mạch tế bào, chạy đi khắp chốn cùng cơ thể, rồi dâng tràn lên mắt, tỉnh mà say, say mà tỉnh. “Chén rượu Kim Long nâng để nhớ/ Quê hương kết nối vạn trùng dương” (thơ Trần Kim).
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 1. NXB Thuận Hóa, Huế 1997, tr. 372.
(2) Lê Quý Đôn. Phủ Biên tạp lục. NXB Khoa học xã hội, 1997, tr. 81.
Nhà văn Nguyễn Linh Giang – Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh