21h ngày 3/6 đã diễn ra trận chung kết FA Cup 2022 – 2023 trên sân vận động Wembley. Sau trận giao tranh quyết liệt, Manchester United (MU) đã chính thức bại trước Manchester City (MC) với tỷ số 1-2.
Chưa hết, trên thương trường, đoàn quân của HLV Erik Ten Hag còn ngậm ngùi trải qua 3 năm “lỗ ròng” cùng lợi nhuận “một trời một vực” với đối thủ.
2022 khởi sắc
Theo báo cáo tài chính của Manchester United năm 2022 (tính đến ngày 30/6), doanh thu thuần của “Quỷ Đỏ” đạt hơn 583,2 triệu bảng Anh, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ các trận đấu (matchday revenue) đạt hơn 110,5 triệu bảng – gấp 15 lần so với 7 triệu bảng năm 2021.
Con số này của MU cũng cao gấp 2 lần so với đối thủ Manchester City. Được biết, doanh thu trận đấu của The Citizens trong năm tài chính 2022 chỉ đạt hơn 54 triệu bảng.
Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, trong giai đoạn năm 2020-2021, các giải đấu cũng như hoạt động liên quan đã bị “giãn cách” làm ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của các câu lạc bộ.
Tuy nhiên, trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2022 vừa qua, khi thế giới bước vào thời kỳ bình thường mới, báo cáo chỉ ra các trận đấu của MU đã hoạt động “hết công suất” với lượng người hâm mộ đến xem đông đảo. Tour tham quan sân vận động và bảo tàng Old Trafford được mở liên tục. Điều này đã khiến doanh thu trận đấu tăng lên.
Vào năm 2021, doanh thu từ bản quyền phát sóng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, từ 140,2 triệu bảng lên 254,8 triệu bảng nhưng giảm nhẹ vào năm 2022.
Trong 5 năm đổ lại, thương mại là nguồn thu chính của Manchester United. Vào năm 2022, họ thu về hơn 257,8 triệu bảng Anh, tăng nhẹ so với một năm trước đó – nhờ các thỏa thuận tài trợ mới. Ví dụ, sự hợp tác với công ty công nghệ Tezos vào tháng 2/2022.
Cụ thể, ngoài xuất hiện trên áo tập, Tezos sẽ là đối tác của MU trên nền tảng blockchain.
Lợi nhuận “một trời một vực”
Hai đội bóng thành Manchester có lẽ là kỳ phùng địch thủ không những trên sân cỏ mà còn liên quan đến các vấn đề tiền bạc. Điển hình nhất phải kể đến khoản lợi nhuận của hai câu lạc bộ. Xét về khía cạnh này, Quỷ Đỏ “vượt” The Citizens về khoản thua lỗ.
Sau khi công bố báo cáo tài chính năm 2022, Manchester United ghi nhận khoản lỗ ròng 115,5 triệu bảng Anh, khiến tổng số nợ của câu lạc bộ này chạm ngưỡng 514,9 triệu bảng.
Sở dĩ, câu lạc bộ này thua lỗ nhiều đến vậy là do số người hâm mộ trở lại sân sau Covid-19 vẫn không đủ để bù cho khoản thâm hụt hàng triệu bảng tiền vé mỗi tuần. Từ đó, các khoản thu như bán áo đấu, tham quan bảo tàng hay thu hút tài trợ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tỷ giá bảng Anh diễn biến không thuận lợi khiến các khoản nợ của MU ngày càng tăng, vì câu lạc bộ này vay bằng USD.
Khác một trời một vực so với Man United, Man City đạt doanh thu tốt nhất lịch sử CLB với lợi nhuận kỷ lục gần 42 triệu bảng Anh. Thành quả ấn tượng đó của Man City là nhờ đội bóng đã có một mùa giải trọn vẹn khi không còn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và được đón khán giả đến kín sân thi đấu. Hơn thế nữa, việc chuyển nhượng và sử dụng mô hình đa câu lạc bộ của City Football Group đã góp phần đáng kể giúp MC đạt doanh thu kỷ lục ngay sau đại dịch.
Báo giới không chỉ tốn giấy mực viết về sự so kè giữa hai câu lạc bộ thành Manchester, vấn đề đổi chủ của M.U cũng đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Mới đây, Sheikh Jassim Bin Hamad Al Thani – Chủ tịch Ngân hàng lớn nhất Qatar (QIB), đã đưa ra lời đề nghị mua MU, với giá được cho là kỷ lục 5 tỷ bảng. Song, nhà Glazer – chủ sở hữu hiện tại của Quỷ Đỏ – lại đang rao bán với mức giá từ 6-7 tỷ bảng bao gồm cả khoản nợ có thể là cao kỷ lục với một CLB thể thao.
Tổng hợp