Nhiều cổ phiếu tăng giá trong khi VCB giảm mạnh, mất mốc 100.000 đồng/cp
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua nhìn chung diễn biến khá tích cực với 21/27 mã tăng giá, 2 mã không thay đổi và 4 mã giảm giá.
VCB là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua, mất 4,9% và đóng cửa tuần ở mức 99.900 đồng/cp. Vốn hóa của Vietcombank theo đó “bốc hơi” hơn 1 tỷ USD xuống còn khoảng 20 tỷ USD. 3 cổ phiếu khác giảm giá đều là các cổ phiếu nhỏ như KLB (-1,4%), SGB (-0,7%), NVB (-0,7%).
PGB của PGBank dẫn đầu mức tăng giá trong tuần của nhóm ngân hàng. Cổ phiếu này đóng cửa ngày 23/6 ở mức 28.300 đồng/cp, tăng 6% so với cuối tuần trước. Hiện thị giá của PGB chỉ đứng sau VCB, BID, TCB, STB, CTG. Đây là cổ phiếu có thị giá cao nhất trong các ngân hàng nhỏ.
Các mã tăng mạnh tiếp theo là STB (4,5%), NAB (4,4%), LPB (4,1%), SSB (3,8%), VIB (3,6%),…
Cổ phiếu SSB, VIB được hỗ trợ bởi hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu trong tuần qua. Ngày 23/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền để SeABank trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 14,4%) và thưởng cổ phiếu (tỷ lệ 5,8%). Tương tự với VIB, ngày 22/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%.
Ngoài SSB và VIB, nhiều ngân hàng khác cũng chuẩn bị trả cổ tức bằng cổ phiếu trong thời gian tới. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã có các văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng của ngân hàng OCB, LPBank, SHB,…
Thanh khoản toàn ngành sụt giảm, khối ngoại bán ròng
Thanh khoản toàn ngành tuần qua đạt hơn 12.500 tỷ đồng, tương đương bình quân 2.500 tỷ đồng/phiên, thấp hơn so với tuần trước (2.900 tỷ đồng/phiên). Dẫn đầu thanh khoản là STB của Sacombank với hơn 2.200 tỷ đồng được khớp lệnh trong 5 phiên vừa qua.
Cổ phiếu VPB của VPBank ghi nhận giá trị giao dịch tăng vọt trong phiên giao dịch cuối tuần 23/6 với thanh khoản 853 tỷ đồng, gấp 2-3 lần so với 4 phiên trước. Theo đó, tổng giá trị giao dịch khớp lệnh cả tuần đạt 1.700 tỷ đồng, chỉ đứng sau STB.
Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu bán ròng cổ phiếu ngân hàng trong tuần. Trong đó bán mạnh nhất TPB của TPBank (158 tỷ đồng), VPB của VPBank (158 tỷ đồng), HDB của HDBank (41 tỷ), BID của BIDV (90 tỷ), VCB của Vietcombank (187 tỷ),…
Chiều ngược lại, khối ngoại có mua ròng một số mã như STB của Sacombank (100 tỷ đồng), SHB (5 tỷ đồng),…