Các quốc gia thành viên Liên hợp quốc vào ngày hôm qua đã chính thức khởi động đàm phán về một hiệp ước thuế toàn cầu, nhằm đối phó với tình trạng trốn thuế của các cá nhân và doanh nghiệp giàu có.
Mục tiêu của cuộc đàm phán này là tạo ra một hệ thống thuế công bằng hơn cho tất cả các quốc gia và dự kiến Ủy ban đàm phán này sẽ hoạt động đến năm 2027.
Phát biểu tại phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Ủy ban đàm phán của Liên hợp quốc đã lên án hàng tỷ USD bị thất thoát hàng năm do chuyển lợi nhuận bất hợp pháp, cạnh tranh thuế không lành mạnh và các dòng tiền bất hợp pháp. Những khoản tiền này đáng lẽ có thể được sử dụng để phục vụ cho các mục tiêu phát triển toàn cầu.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban đàm phán ngày 3/2, Mỹ đã tuyên bố rút lui khỏi tiến trình, với lý do “hiệp ước này không phù hợp với các ưu tiên của Mỹ và có thể gây trở ngại không thể chấp nhận đối với khả năng ban hành chính sách thuế của các quốc gia”.
Không chỉ Mỹ, nhiều nền kinh tế lớn khác như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Israel và New Zealand cũng đã phản đối các điều khoản hướng dẫn ban đầu của hiệp ước.
Theo tổ chức phi Chính phủ Tax Justice Network, mỗi năm các Chính phủ trên toàn cầu mất khoảng 492 tỷ USD do các “thiên đường thuế” – và 43% số tiền này bị thất thoát được cho là có liên quan đến chính sách thuế của 8 quốc gia trên.
Sự phản đối từ các nước giàu ngay lập tức gây ra tranh cãi về cách thức vận hành của ủy ban đàm phán. Một trong những câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: Liệu các quyết định sẽ được thông qua theo nguyên tắc đa số hay phải đạt được sự đồng thuận? Đại diện Liên minh châu Âu (EU) lập luận rằng nếu các quyết định không đạt được sự đồng thuận, thì 27 quốc gia thành viên EU có thể sẽ không tham gia hiệp ước này. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và những nước ủng hộ hiệp ước cho rằng việc trao quyền phủ quyết cho tất cả các nước sẽ khiến quá trình đàm phán bị đình trệ.
Bất chấp sự rút lui của Mỹ, nhiều quốc gia đang phát triển vẫn đặt kỳ vọng lớn vào hiệp ước thuế toàn cầu, xem đây là một cơ hội lịch sử để sửa chữa những bất công trong hệ thống tài chính quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!