Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng áp lực với những Đại học danh tiếng của Mỹ. Các trường Đại học trong nhóm Ivy League (gọi là tinh hoa) của Mỹ đã bị Chính phủ đóng băng các khoản viện trợ. Và các trường này đang phải tìm đến phố Wall như một cách để tái cơ cấu, xoay sở trong lúc khó khăn.
Tại một phân hiệu của Đại học Cornell, một trong những trường thuộc nhóm Ivy League bị tác động từ đợt cắt giảm tài trợ từ Chính phủ, ngay lập tức đã có những ngành học, những ngành nghiên cứu phải tạm dừng vì thiếu tiền.
Nhật báo phố Wall cho biết, Cornell là trường gần đây nhất thuộc nhóm Ivy League bị Chính phủ đóng băng 1 tỷ USD quỹ liên bang. Tổng số tiền Chính phủ Mỹ ngừng tài trợ cho các trường nhóm này đã lên tới 10 tỷ USD. Chủ tịch trường Cornell công bố các lĩnh vực bị ảnh hưởng ngay là nghiên cứu về vật liệu mới, động cơ phản lực, mạng lưới thông tin, robot, vũ trụ và ung thư…
Các trường đều có một khoản tiền tiết kiệm riêng là tiền từ các nhà tài trợ. Ví dụ như Harvard có hơn 53 tỷ USD. Thế nhưng lại không thể rút tiền này để bù cho khoản tiền bị cắt. Khoảng 80% số đó là để chi thường xuyên cho học bổng, lương quản lý, chương trình học và các dự án khác. Trong khi 20% để duy trì hoạt động trong nhiều năm tới.
Hầu hết các trường được gọi là tinh hoa này đều hoạt động theo mô hình trường tư. Vì thế, họ tìm đến một giải pháp “cực chẳng đã” trước khi phải cắt giảm mạnh tay mọi thứ: đó là gõ cửa phố Wall như một doanh nghiệp.
Theo trang Nước Mỹ ngày nay, Đại học Harvard dự kiến phát hành 750 triệu USD trái phiếu chịu thuế như một doanh nghiệp. Dự kiến thu về hơn 8 tỷ USD. Trước đó, trường cũng đã phải phát hành hai lần khác trái phiếu được miễn thuế. Hồi đầu tháng, Đại học Princeton cũng tìm đến phố Wall để phát hành 320 triệu USD trái phiếu.
Một số trường chọn thắt lưng buộc bụng, tạm dừng một số chương trình không thuộc ưu tiên và cắt giảm hợp đồng với các nhà nghiên cứu. Nhưng họ cho rằng để các trường phải phụ thuộc vào Chính phủ như hôm nay, lỗi không phải do họ.
Thời báo New York thống kê, trong 70 năm qua, các trường Đại học của Mỹ tiêu tiền Chính phủ tăng gấp 30 lần, lên 60 tỷ USD vào năm 2023. Nhưng sở dĩ có điều này là vì nước Mỹ muốn có những quả bom mạnh nhất, chữa được các bệnh nan y nhất và là người đầu tiên khám phá rìa vũ trụ… Nên các trường cầm tiền, xây phòng lab, thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Khi họ ngày càng phụ thuộc, họ lại trở nên mong manh trước quan điểm của các chính trị gia. Và giờ thoả thuận có lợi cho cả hai tan vỡ…
Các trường gặp khó khăn để thu lại những gì đã xây dựng và tuyển dụng. Còn các công trình nghiên cứu, các phát kiến của nước Mỹ có thể đứng trước nguy cơ bị gián đoạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!