Lúc 9h00, tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC hiện ở mức 82,2-84,2 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trơn ở mức 74,8-76,5 triệu đồng/lượng, giảm so với hôm qua.
Tương tự tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC giảm 200 nghìn đồng/lượng xuống 82,1-84,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trơn giảm mạnh 500 nghìn đồng/lượng xuống còn 76,25-78,1 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trong ngày 10/4, giá vàng SJC biến động mạnh khi giảm tới gần 1 triệu đồng mỗi lượng vào đầu giờ sáng rồi sau đó lại nhanh chóng quay đầu hồi phục tăng khoảng 600 nghìn đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trong ngày 10/4 lại liên tục tăng mạnh và lập đỉnh lịch sử, có nơi gần 79 triệu đồng/lượng.
Những ngày gần đây khi giá vàng tăng “nóng”, các cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý cũng tấp nập khách hàng đến mua – bán, giao dịch sôi động hơn hẳn thường ngày. Mặc dù giá vàng lập đỉnh nhưng nhiều người dân vẫn xếp hàng đi mua với kỳ vọng vàng sẽ còn tăng giá hơn nữa trong thời gian tới.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng tối ngày 10/4 (giờ Việt Nam) điều chỉnh mạnh, giảm từ 2.360 USD/ounce xuống 2.320 USD/ounce. Kim loại quý này “bốc hơi” 40 USD/ounce sau khi dữ liệu mới về lạm phát của Mỹ cao hơn so với kỳ vọng. Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 3 và cao hơn 3,5% so với một năm trước. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 3,8% so với cùng kỳ và tăng 0,4% so với tháng 2, cao hơn dự đoán lần lượt là 3,7% và 0,3%. Dữ liệu CPI mới nhất ủng hộ những quan điểm diều hâu về chính sách tiền tệ của Mỹ, đặt ra câu hỏi liệu FED có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 6 hay sẽ lùi thời gian lâu hơn.
Mặc dù báo cáo mới về lạm phát là khá tiêu cực với giá vàng, tuy nhiên kim loại quý sau đó lại đảo chiều hồi phục đáng kể. Các nhà giao dịch vàng dường như không quá lo lắng về lạm phát hay thời điểm giảm lãi suất của FED. Đến sáng 11/4, giá vàng giao ngay lại hồi phục lên 2.342 USD/ounce.