Thời điểm 8h45 sáng 8/6 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 1.945 USD/ounce, giảm mạnh 20 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Đây là khoảng giá thấp nhất trong vòng 2,5 tháng qua của kim loại quý.
Giá quý kim quay đầu giảm mạnh khi một số dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại có thể làm giảm nhu cầu đối với vàng.
Cụ thể, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm nhiều hơn dự kiến. Lượng hàng ra nước ngoài trong tháng 5 của nước này bị giảm 7,5%, xuống còn 283,5 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu trong tháng 5 cũng giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 217,69 tỉ USD.
Hôm qua, tờ Wall Street Journal đã có một bài viết tiêu đề: “Sự suy giảm thương mại của Trung Quốc chỉ ra những vấn đề toàn cầu”.
Bài báo chỉ ra nền kinh tế hậu COVID-19 của Trung Quốc đang gặp khó khăn và thương mại toàn cầu đang “hạ nhiệt nhanh chóng” trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều đó có khả năng tác động tiêu cực đến nhu cầu đối với lĩnh vực hàng hóa thô, bao gồm cả kim loại quý.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng cũng tác động tiêu cực đối với các kim loại trú ẩn an toàn.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lên mức cao nhất trong hơn một tuần sau khi Ngân hàng Trung ương Canada tăng lãi suất. Động thái này có thể giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì quan điểm cứng rắn khi các nhà hoạch định chính sách nhóm họp vào tuần tới.
David Meger, Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại tại công ty dịch vụ giao dịch hàng hóa High Ridge Futures, nhận định lợi suất tương đối cao, tạo sức ép lên thị trường vàng.
Theo chuyên gia này, lạm phát vẫn là mối quan tâm chính của thị trường vàng. Tại thời điểm này, thị trường kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, nếu lạm phát vẫn ở mức quá cao, kỳ vọng này sẽ thay đổi.
Theo báo cáo mới đây của Metal Focus, nhu cầu vàng dự kiến giảm 9% trong năm 2023 do các ngân hàng trung ương giảm hoạt động mua kim loại quý sau một năm mua kỷ lục, với giá cũng đối mặt với áp lực giảm trong nửa cuối năm 2023.
Trong khi nhu cầu giảm, tổng nguồn cung vàng được dự báo sẽ tăng 2% trong năm nay, do sản lượng khai thác và tái chế cao hơn, dẫn đến thị trường vàng quay trở lại mức thặng dư thị trường hơn 500 tấn.
Giám đốc điều hành Philip Newman của Metal Focus dự báo, giá trung bình hàng năm ước tính sẽ tăng 5% lên mức cao nhất mọi thời đại mới là 1.890 USD/ounce, nhưng sẽ chịu áp lực trong nửa cuối năm nay.
Giá vàng trong nước
Khách mua và xem vàng tại một cửa hàng vàng.
Cùng chung xu hướng giảm của thị trường vàng thế giới, sáng 8/6, giá vàng trong nước được một số công ty vàng niêm yết ở mức giảm cả chiều mua vào và bán ra so với mức giao dịch hôm qua.
Cụ thể, lúc 8h30, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,35 – 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), cùng giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Tương tự, tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,40 – 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 150 nghìn đồng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch ngày hôm qua.