
“Đình chiến thuế quan là một sự giải tỏa lớn cho các nhà sản xuất ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Chỉ số biến động chuỗi cung ứng của chúng tôi cho thấy nhu cầu sản xuất tại Trung Quốc đang giảm mạnh và các nhà sản xuất Mỹ đang tích trữ nhằm chống lại tác động của thuế quan”, John Piatek, phó chủ tịch GEP, cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Piatek, thỏa thuận vừa được công bố sẽ không nhanh chóng xoa dịu nỗi lo lắng của các nhà sản xuất Mỹ về cách giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng liên quan tới Trung Quốc trong dài hạn.
Chỉ số biến động chuỗi cung ứng toàn cầu GEP theo dõi nhu cầu, tình trạng thiếu hụt, chi phí vận chuyển, hàng tồn kho và tồn đọng dựa trên khảo sát hàng tháng với hơn 27.000 doanh nghiệp. Dữ liệu về biến động chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò như một lời cảnh báo về những gì sẽ xảy ra nếu lệnh tạm dừng áp thuế của Mỹ và Trung Quốc không được gia hạn vĩnh viễn sau thời hạn 90 ngày tạm dừng và cuộc chiến thương mại leo thang trở lại.

Các công ty ở Bắc Mỹ hiện đang tích cực tích trữ hàng tồn kho ở mức mà ông Piatek cho là “đáng lo ngại”. Đồng thời, Piatek cũng nhận định “những dấu hiệu đầu tiên cho thấy các nhà sản xuất dự đoán nhu cầu chậm lại và tình trạng thiếu hụt nguồn cung” đã xuất hiện.
Chỉ số biến động chuỗi cung ứng toàn cầu của GEP cho thấy sự sụt giảm mạnh về đơn đặt hàng sản xuất sau đợt tích trữ hàng loạt. Bên cạnh đó, những sự không chắc chắn cũng làm giảm hoạt động đầu tư.
Hoạt động mua hàng của các nhà sản xuất châu Á đang ở mức yếu nhất kể từ tháng 12/2023.
Một điểm sáng để bù đắp cho sự sụt giảm trong sản xuất là châu Âu, nơi suy thoái công nghiệp sắp kết thúc. Vương quốc Anh, quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ, đã ghi nhận sự yếu kém đáng kể trong sản xuất với hoạt động của các nhà cung cấp giảm gần mức thấp kỷ lục của 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, năng lực chuỗi cung ứng tại Pháp và Đức, vốn đã không được sử dụng hết trong những năm qua, đang tăng trưởng. Piatek cảnh báo điều này có thể đảo ngược nếu tình hình thương mại toàn cầu xấu đi.
Dữ liệu GEP cũng cho thấy sự gia tăng năng lực dự phòng trên khắp châu Á, dẫn đầu là các nền kinh tế Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.
Stephen Edwards, Tổng giám đốc điều hành của Cảng Virginia, cho rằng nếu tương lai chuỗi cung ứng được mở rộng hơn vào các nước Đông Nam Á, Nam Á và châu Âu thì các cảng của Mỹ sẽ cảm nhận rõ điều đó. Theo Edwards, tăng trưởng nhanh nhất trong hoạt động của Cảng Virginia trong 4 năm qua là “tiểu lục địa Ấn Độ, sau đó là Việt Nam rồi đến châu Âu”. Trong khi đó, lượng hàng hóa từ Trung Quốc cập cảng này chỉ đi ngang.
Tham khảo: CNBC