Đói lòng ăn nửa trái sim…
Trời Quảng Trị mùa hè nắng cháy, gió Lào thổi rát đến bỏng da. Vào mùa tháng sáu, những đồi cây rừng lúp xúp bạt ngàn cỏ tranh và sim. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn còn nhớ câu đố: “Bằng đốt ngón tay/ Dui day ra máu/ Về tiết tháng sáu/ Con cháu đi tìm/ Là quả gì?”. Không khó lắm để những đứa trẻ trả lời, đó là quả sim. Nhớ về sim, trong tôi không có ấn tượng nhiều bởi “màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt”, mà nhớ hoài lời ca dao da diết: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”.
Quả sim rừng chín, ăn ngon ngọt
|
Cây sim là cây rừng, mọc tự nhiên bạt ngàn. Hồi trước, ở Quảng Trị sim có rất nhiều ở vùng đất Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa. Cây sim hợp với nắng, gió và đất khô cằn. Sim thường mọc lẫn vào cỏ tranh. Ở những chân đồi thoai thoải, ở triền dốc thì sim cho trái trĩu cành, hoa nở nhiều và tím nhưng nhức, trái sim thì chín mọng. Ngược lại, ở những thung lũng ẩm thấp, cây sim to lớn nhưng không đơm hoa kết trái, chỉ để làm củi. Ở quê tôi, vùng đồi Đùng, tiếp theo là Khe Đất, Khe Đá… bạt ngàn cây sim, cây móc, cây muồng. Những trái cây rừng ngon ngọt của mùa thơ dại. Những năm học cuối cấp 2, ngày hè tôi cùng lũ bạn chăn trâu và đồi Đùng là nơi lý tưởng để thả trâu ăn cỏ hàng ngày. Trong lũ bạn, có vài đứa con gái và X là người nổi bật hơn cả. X lớn hơn tôi một tuổi, nhưng chúng tôi cũng xưng mày tao như cùng trang lứa. Con gái nông thôn nhưng X có nước da trắng ngần, tóc dài, giọng nói hay, líu ríu như chim. Nhà X khá giả, thường thì anh trai X đi chăn trâu, lâu lâu cô mới tham gia nhưng rất mê các trò chơi nghịch ngợm. Có lần, cùng lũ bạn đi hái sim trên đồi Đùng, lớ ngớ thế nào cuối cùng tôi và X cùng đi một hướng. Những đồi sim nối tiếp nhau, trái chín lúc lỉu. Chúng tôi mê mải hái sim ăn, miệng đứa nào cũng đen nhẻm. Đang vít cành hái sim, chợt X la lên, nằm lăn dưới gốc cây. Một con ong đất từ đâu chui vào áo cô. X đang bứt tung áo, dãy nút bóp làm áo mở toang. Bầu ngực thanh tân, trắng nõn của X phập phồng đập vào mắt tôi làm đầu tôi như có một luồng điện xoẹt ngang, ngỡ ngàng. Rồi tôi cũng nhớ, theo tiếng chỉ dẫn của X, tìm bắt được con ong đất. Sau phút giây thẹn thùng, mắt mở to, cuối cùng X cũng giật mạnh tay, choàng vạt áo che lại bộ ngực và cài lại dãy nút bóp. Con gái mới lớn, thời trước chưa mặc nịt ngực như sau này. Khoảnh khắc nhìn thấy bầu ngực của thiếu nữ mới lớn đã làm tôi bừng tỉnh, choáng váng… Những lần đi chăn trâu sau đó, tôi hay giúp X chặt củi để buổi chiều đi chăn trâu về có thêm bó củi phụ giúp mẹ nấu nướng. Nhiều bó củi là những thân cây sim chặt vội, bó lại. “Cho anh chút chỉu chìu chiu/ Anh bứt chạc (1) chìu bó củi cho em” (Ca dao).
Cây sim gần gũi, gắn liền với công việc nhà nông: “Sim ra nụ, lúa có đòng/ Sim ra hoa, cày ngả/ Sim ra quả, cày cấy/ Sim được lấy, cấy xong” (Tục ngữ). Hàng năm, từ tháng sáu đến tháng mười, sau mùa hoa sim tím hoang hoải những vùng đồi sẽ đến lúc cây sim cho những quả chín mọng nước tím đen, ăn ngọt, thơm của trái rừng. Trái sim là của trời cho, là loại trái cây đại hào phóng với những người đi bứt tranh, chặt củi. Đối với trẻ chăn trâu hàng ngày, đi hái sim trên rú là những kỷ niệm vui, ngọt ngào. Đến mùa sim, người lớn cũng đi hái sim về mang ra chợ bán, cũng có đồng ra đồng vào, kiếm gạo. Người ta bán sim bằng lon (sữa bò) ở hầu hết các chợ quê. Trái sim vừa là quả ăn chơi, vừa là quả cho thu nhập. Khi có nhiều sim, ngoài mang sim ra chợ bán, người ta còn làm rượu sim để uống, bồi bổ sức khỏe. Rượu sim rất dễ làm. Sau khi hái sim về, rửa sạch đất cát, để cho ráo nước, cắt bỏ tai sim (phần đầu quả sim). Dùng bình thủy tinh, cho một lớp quả sim, rải lên một lớp đường cát hay đường phèn theo tỷ lệ 2 sim: 1 đường. Đậy kín bình lại, khoảng ba tháng sau thì dùng được.
Cây sim mùa ra hoa, tím bạt ngàn.
|
Ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), từ lâu các vườn sim rừng tự nhiên mọc hoang dã trên núi, sườn đồi đã tạo nên những đồi sim rộng lớn, phục vụ cho du lịch. Rượu sim Phú Quốc đã trở thành thương hiệu, được khách du lịch ưa chuộng, mua về làm quà. Ở huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), nắm bắt thị trường, người dân đã đi đào cây sim rừng về trồng, tạo nên những trang trại sim rộng hàng chục hec-ta, mỗi trang trại có hàng vạn cây sim. Vào mùa hoa, cây sim nở hoa tím hồng, bông hoa rất lớn, lâu tàn, vẻ đẹp mùa tím hoa sim mộc mạc đã thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Trái sim chín dùng để chế biến rượu sim, siro sim, mật sim, mứt sim, sim khô. Gần đây, khách hàng Nhật Bản còn đặt mua hoa sim để làm… trà sim! Quảng Trị là nơi có khí hậu khắc nghiệt, nơi “đất cày lên sỏi đá”, thổ nhưỡng rất hợp với cây sim. Vì sao chưa có một doanh nhân nào “lĩnh ấn tiên phong” phát triển những trang trại trồng sim ở các vùng đồi núi Quảng Trị? Đã qua rồi cái thời “những đồi sim không đủ quả nuôi người”; bây giờ có những đồi sim như thế chắc chắn có thu nhập cao từ trái sim chín hay làm du lịch.
Tháng sáu vừa rồi, tôi về thăm quê. Đồi Đùng bây giờ chỉ còn những bụi sim lác đác. Đồi Đùng được trồng bạt ngàn cây tràm, cây cao su. Muốn tìm sim, phải lặn lội qua xứ rú Con Bò. Đứng ở đồi sim giữa buổi trưa nắng gió, trong tôi trào dâng lời ca của Vũ Đức Sao Biển: “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ/… Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín/ Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay” (Thu hát cho người). Cô bạn X tuổi hoa niên, người bạn gái chăn trâu ngày ấy đã làm tôi bừng thức, choáng váng đến run rẩy- người bây giờ định cư ở cách một nửa vòng trái đất, có còn nhớ đến những đồi sim?
(1) Chạc: dây (tiếng địa phương).
Nhà văn Nguyễn Linh Giang – Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh