Chang er dai – Thế hệ tiếp nối giúp Trung Quốc giữ vững vị thế công xưởng của thế giới?
Khi Steven Du tiếp quản nhà máy sản xuất hệ thống kiểm soát nhiệt độ của cha mẹ mình ở Thượng Hải, một trong những thay đổi đầu tiên anh thực hiện là bật hệ thống sưởi của nhà máy vào mùa đông – điều mà thế hệ tổ tiên của anh đã tiết kiệm và không làm.
“Nếu bạn không cải thiện môi trường làm việc, người lao động sẽ cảm thấy không thoải mái và khó làm việc hiệu quả”, người đàn ông 29 tuổi nói.
Du – giống như hàng chục nghìn ông chủ trẻ tuổi khác của các nhà máy tại Trung Quốc – đang kế thừa một doanh nghiệp sản xuất cơ bản thời điểm hiện tại.
Các nhà máy này sớm không còn dựa vào mô hình sử dụng lực lượng lao động hùng hậu nữa – thứ vốn đưa Trung Quốc trở thành công xưởng lớn của thế giới.
Các chuyên gia Trung Quốc cho biết lực lượng lao động nước này đang già đi và bị thu hẹp. Đồng thời, sự cạnh tranh từ Đông Nam Á, Ấn Độ và một số nước khác đang khiến ít nhất 1/3 cơ sở công nghiệp tầm trung Trung Quốc trở nên “mờ nhạt”.
Vì vậy, nhiệm vụ nâng cấp công nghệ cũng như thay đổi thực trạng này phần lớn rơi vào tay thế hệ thứ 2 – nhóm người thừa kế nhà máy trong độ tuổi 20-30 (còn được gọi với biệt danh chang er dai).
Zhang Zhipeng, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển Chất lượng Cao và Cấu trúc Mới Thâm Quyến cho biết: “Nếu tôi là chang er dai, tôi sẽ cố gắng cứu doanh nghiệp gia đình mình khỏi phá sản”.
Tờ Reuters đã phỏng vấn 8 chang er dai – những người cho biết mình đã nỗ lực để đưa các doanh nghiệp gia đình vào kỷ nguyên hiện đại bằng việc tối ưu năng suất. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với những thách thức như chi phí lao động, thiếu công nhân hay đôi khi là bất đồng với người thân về kế hoạch dự kiến trong tương lai.
Du chia sẻ rằng mình lớn lên trong gia đình có điều kiện và có nhiều cơ hội nhờ cha mẹ. Anh học trung học và đại học ở New Zealand, chuyên ngành kỹ thuật điện. Anh chuyển đến Mỹ, làm việc tại các cơ sở của nhà cung cấp Apple Foxconn ở Wisconsin. Anh cũng nghiên cứu phương pháp sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản từ đó tập trung sàng lọc các điểm kém hiệu quả.
Sự nhạy bén trong kinh doanh của cha và sự chăm chỉ của mẹ đã giúp nhà máy của gia đình Du trở thành nhà cung cấp cho các hãng thiết bị lớn của Trung Quốc. Công ty cũng bán các linh kiện được sử dụng trong hệ thống kiểm soát nhiệt độ cho trung tâm mua sắm, phòng máy tính, đơn vị làm mát pin và những nơi cung cấp thiết bị y tế.
Các quy trình sản xuất hầu như không thay đổi cho đến khi Du tiếp quản vào năm 2019. Anh đã giới thiệu phần mềm công nghiệp chuyên dụng giúp cắt giảm quy trình tính toán, đơn đặt hàng, mua sắm, giao hàng và các hoạt động khác trước đây do con người xử lý.
Anh cũng đã sửa sang lại sàn nhà máy để cho phép xe nâng di chuyển dễ dàng, phân nhóm các đơn vị lưu trữ và các nhóm sản xuất khác nhau để giảm hoạt động thể chất cho lực lượng lao động có độ tuổi trung bình khoảng 50.
Một công nhân hiện chỉ phải đi bộ 300 mét (giảm từ 1km) để hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp và cần ít hơn 1/3 thời gian để làm điều đó.
Trong khi mẹ Du dành nhiều giờ để quản lý vi mô cho hoạt động sản xuất thì anh đã kết thúc hầu hết các công việc cần làm vào khoảng 4 giờ chiều mỗi ngày. Anh cũng đã xây dựng một phòng tập thể dục ngay bên trong nhà máy và cho phép công nhân sử dụng trước khi về nhà.
Anh nói những người trẻ tuổi thường thích sự “lười biếng” nhưng chính nó lại cho thấy một sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật – khi con người tối ưu hóa công việc và mất “ít sức về mặt thể chất” hơn.
Du đã tăng lương từ 10-20% trong 3 năm qua để giữ tỷ lệ chuyển đổi nhân viên cũ-mới dưới 5%. Và nhà máy của anh cũng đạt hiệu quả hơn 50% so với trước đây. Nhà nghiên cứu Zhang cho biết: “Các nhà máy cần chuyển sang hệ thống sản xuất cao cấp hơn hoặc sẽ thất bại”.
Tiến bộ là chìa khóa
Zhang Zeqing – một chang er dai chia sẻ, kể từ khi bắt đầu đồng quản lý nhà máy sản xuất trứng của gia đình tại Ruichang, anh đã áp dụng số hóa và hiệu quả nhà máy tăng cao – tương tự với Du.
Ví dụ, công nhân sẽ đặt trứng vào từng ô được gắn trên băng chuyền sau đó máy móc sẽ tự động hút chân không. Màn hình điện tử ở đó sẽ hiển thị tốc độ đóng gói trứng và ước tính sản lượng trung bình trên mỗi công nhân, cũng như thời gian và nhân lực cần thiết để đóng gói 10.000 quả trứng.
Mã vạch theo dõi tất cả các sản phẩm từ trang trại đến nhà máy, cửa hàng bán lẻ, cho phép người giám sát theo dõi đơn đặt hàng, sản phẩm và quá trình giao hàng trên điện thoại của họ. Theo thống kê, từ đó, doanh số bán hàng của nhà máy đã tăng 35% mỗi năm.
“Trước đây, chúng tôi ghi lại tất cả những điều này bằng tay trên giấy. Vì vậy dữ liệu nội bộ đã bị lẫn lộn. Nó tốn nhiều thời gian và công sức”, người đàn ông 30 tuổi nói.
Tuy nhiên, phần đông những thế hệ tiếp quản nhà máy này lại cho rằng bản thân không có ý định kế thừa gia nghiệp. Ví dụ, Zhang muốn học thiết kế cảnh quan ở Pháp. Nhưng anh cảm thấy mình phải tham gia xây dựng nhà máy, ít nhất là trong vài năm. Đồng thời, anh muốn thuyết phục cha mẹ hiện đã 55 tuổi của mình rằng việc nâng cấp công nghệ và thiết lập các kênh phân phối mới trên nền tảng thương mại điện tử là điều xứng đáng cần đầu tư.
Anh nghĩ rằng phải làm gì đó vì các nhân viên tuyến đầu ngày càng già đi và những người trẻ tuổi ít sẵn sàng làm việc ở vị trí này.
Hiện nay, Trung Quốc có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp kỷ lục, nhưng nhiều người trong số họ có bằng đại học và không muốn làm việc trong các nhà máy, ngay cả khi họ nhận một công việc chưa có mức lương tương xứng với trình độ học vấn của mình.
Liệu có thể giữ “ngôi vương”?
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang nâng cấp tổ hợp công nghiệp của mình theo những cách tối ưu hơn so với những thay đổi được thực hiện bởi các nhà quản lý trẻ tuổi như Du và Zhang.
Tuy nhiên, Chang er dai cũng đang giúp “nâng đáy”. Điều này rất quan trọng để duy trì thị phần của Trung Quốc trong ngành sản xuất thế giới, theo nhận định của hai chuyên gia trong ngành nói.
Tian Weihua, một chuyên gia về nâng cấp sản xuất tại Viện Nghiên cứu Đổi mới Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết sự hiểu biết về công nghệ và kinh nghiệm từ nước ngoài của các Chang er dai đã mang đến cho họ cơ hội tốt hơn so với cha mẹ. Đó duy trì tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong một môi trường mới với chi phí cao hơn, nhu cầu bên ngoài yếu hơn và các trung tâm sản xuất mới nổi ở các nước khác có mức phí rẻ hơn.
Nhưng nâng cấp công nghệ không thể “chữa khỏi” hoàn toàn các vấn đề hiện tại, Tian nói. Chuyên gia cũng cho biết cần có các bước tiếp theo, bao gồm cả đổi mới sản phẩm.
Ngoài ra, không phải Chang er dai nào cũng chấp nhận “quay về” quản lý nhà máy. Sau khi học thiết kế dệt may tại Đại học Nghệ thuật ở London, Zhang Ying (29 tuổi) đã tiếp quản nhà máy may mặc của gia đình ở thành phố Ninh Ba vào năm 2017.
Nhưng công việc kinh doanh gặp khó khăn. Tiền công đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một thập kỷ, lên hơn 7.000 nhân dân tệ một tháng. Công nhân, chủ yếu là người nhập cư từ các tỉnh nội địa lại bị thiếu hụt. Vì vậy cô cũng không thể cho những nhân viên hiện tại nghỉ việc.
Năm ngoái, Ying đã nghỉ việc để sinh con và để những người quản lý khác phụ trách. Được biết, cô không có ý định trở lại nhà máy. “Đó là một thử thách quá nhiều áp lực và bất ngờ. Tôi bị nổi mề đay do căng thẳng và cần phải dùng thuốc trong một năm, vì vậy tôi đã bỏ cuộc”, cô chia sẻ.
Điều này cũng đã gióng lên “hồi chuông” cảnh báo liệu Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi thế hệ F1 không còn “mặn mà” với công việc kinh doanh của gia đình nữa.
Tham khảo Reuters