Điều kiện Điện Kremlin đưa ra
Điện Kremlin nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng họ đã “dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu nhiên liệu diesel được vận chuyển đến các cảng biển bằng đường ống, với điều kiện nhà sản xuất cung cấp ít nhất 50% lượng nhiên liệu diesel được sản xuất cho thị trường nội địa ”.
Những hạn chế về xuất khẩu xăng dầu đối với các nước mà Nga xuất khẩu với khối lượng nhỏ và ở vị trí xa vẫn đang được áp dụng.
Việc Nga nối lại xuất khẩu dầu diesel sẽ có tác động lớn nhất đến Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil. Đây là hai khách hàng lớn nhất của Nga trong năm nay.
Thông báo này được đưa ra ngay sau khi Nga áp đặt lệnh cấm vô thời hạn đối với việc xuất khẩu dầu diesel và xăng sang hầu hết các quốc gia, gây chấn động thị trường toàn cầu.
Theo Reuters, Moscow ban đầu thực hiện các biện pháp này vào ngày 21 tháng 9 để ổn định giá nhiên liệu ở thị trường nội địa. Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, vào tháng trước đã nói rằng các hạn chế sẽ được duy trì trong thời gian cần thiết để đảm bảo sự ổn định của thị trường. Điện Kremlin cũng không chỉ rõ các lệnh cấm sẽ kéo dài trong bao lâu.
Lệnh cấm trước đó đã khiến giá dầu diesel tăng vọt vì Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô lớn.
Áp đặt thuế
Là một phần của thông báo hôm 6/10, chính phủ Nga cũng cho biết họ đã áp đặt mức “thuế bảo hộ” 50.000 rúp (495,6 USD) mỗi tấn đối với người bán lại các sản phẩm dầu mỏ. Thuế này được thiết kế để ngăn chặn tình trạng “xuất khẩu xám” có thể xảy ra – các công ty hoạt động thông qua các kênh trái phép.
“Vì vậy, chính phủ đang ngăn chặn nỗ lực của các đại lý mua nhiên liệu trước để xuất khẩu sau khi các hạn chế hiện tại được dỡ bỏ. Điều này cũng ngăn cản họ xuất khẩu nhiên liệu chất lượng dưới vỏ bọc các sản phẩm khác”, Điện Kremlin nói thêm.
Financial Times (FT) cho biết, động thái hôm 6/10 của Nga đã gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường dầu diesel. Giá mặt hàng này ở châu Âu giảm hơn 3% do lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt diesel triên thị trường sẽ giảm bớt.
Diesel là nhiên liệu chính của nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, vận tải biển và hàng không.
Nga đã giảm nguồn cung dầu thô như một phần của hiệp ước với Ả Rập Saudi và nhóm Opec+, điều này đã giúp đẩy giá dầu lên cao hơn trong mùa hè. Giá dầu tăng được coi là có khả năng thúc đẩy lạm phát – điều mà các ngân hàng trung ương đang cố gắng kiểm soát.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ phần lớn đã cấm nhập khẩu nhiên liệu đã tinh chế của Nga kể từ tháng 2, buộc Moscow phải chuyển hướng bán sang Thổ Nhĩ Kỳ và các nước ở Bắc Phi và Mỹ Latinh. Các nền kinh tế nhóm G7 cũng đã cố gắng áp đặt giới hạn giá đối với doanh số bán dầu của Nga, trong khi các nước phương Tây đã tăng nhập khẩu dầu diesel từ Ấn Độ và Trung Đông.
Tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng trước lệnh cấm của Nga
Trước lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu, Nga – một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đối mặc với tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng. Truyền thông địa phương đưa tin nông dân ở một số vùng không thể thu hoạch ngũ cốc do thiếu nhiên liệu cần thiết cho máy móc nông nghiệp.
Các thương nhân cho biết tình trạng thiếu nhiên liệu bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm việc bảo trì tại các nhà máy lọc dầu, tắc nghẽn đường sắt và sự mất giá của đồng rúp, cũng như các chính sách khuyến khích xuất khẩu nhiên liệu,…
Nga trước đó đã cố gắng giải quyết tình trạng thiếu dầu diesel và xăng trong những tháng gần đây nhưng cuối cùng lại chuyển sang hạn chế xuất khẩu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhiên liệu.
Lệnh cấm diesel có tác động rất lớn tới Nga bởi đây là nước xuất khẩu nhiên liệu bằng đường biển hàng đầu thế giới.
Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết vào ngày 4/10 rằng các hạn chế đang có hiệu quả, đồng thời cho biết thêm lượng hàng tồn kho đã tăng 430.000 tấn kể từ khi các lệnh cấm được áp dụng.