Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, đến cuối tháng 6/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (mới) dự ước đạt 574.000 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm và tăng 11,7% so với cùng kỳ.
“Đây là tốc độ tăng khá, đặt trong mối liên hệ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành và của vùng Đông Nam Bộ”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, nhận định.
Phân tích đánh giá hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Lệnh cho biết tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ và sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tăng trưởng và phát triển.
Theo đó, cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, chiếm hơn 85%.
Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong đó, dư nợ tín dụng cho vay lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 64,3%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 26,3% và lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Theo ông Lệnh, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua và trong 6 tháng đầu năm phản ánh hiệu quả cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, tiếp cận tốt các chương trình tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Hoạt động tín dụng phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh mang đậm dấu ấn chính sách và góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ.
Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng cho vay xây dựng nông thôn mới đối với các xã trên địa bàn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ. Đến cuối tháng 6/2025, dự ước dư nợ đạt gần 177.000 tỷ đồng, tăng 4,25% so với cuối năm và chiếm 30,7% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Lệnh, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đồng Nai không chỉ hình thành nên các xã nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân tại vùng nông thôn, mà còn là động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, gắn với phát triển du lịch dịch vụ; phát triển sản phẩm thương hiệu địa phương, sản phẩm OCOP có giá trị xuất khẩu cao.
“Từ đó, tạo điều kiện và thúc đẩy tăng trưởng ở mức độ cao hơn. Đây là chương trình tín dụng nhân văn và rất hiệu quả tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, cần tiếp tục phát huy, phát triển”, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Lệnh nhận định kết quả tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm, cùng với những đổi mới đột phá về thể chế và việc thành lập tỉnh mới, sẽ là môi trường kinh tế xã hội thuận lợi để phát triển hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng tiếp tục mở rộng và tăng trưởng nhằm đạt được mục tiêu định hướng đã đề ra.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất tối đa 4%/năm cho khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng, thấp hơn đáng kể so với thị trường. Các ngành ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, lâm sản, thủy sản được hưởng lãi suất thấp hơn 1 – 2% so với mức trung bình, giúp giảm gánh nặng tài chính.
Theo Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị có yêu cầu đổi mới phương thức cho vay, như dựa trên dòng tiền hoặc tín chấp, đồng thời ứng dụng công nghệ số để đơn giản hóa quy trình.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, cho biết ngành Ngân hàng phối hợp đẩy mạnh cơ chế chia sẻ thông tin giữa hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo thống nhất dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh làm cơ sở tăng cường cho vay đối với SMEs và hộ kinh doanh. Từ đó, giúp ngân hàng thương mại thẩm định nhanh chóng, đảm bảo SMEs đủ điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn để tăng trưởng và phát triển.