Sáng 23/11, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã trình Quốc hội dự Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đáng chú ý trong dự thảo Luật có quy định các trường hợp doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vốn.
Cụ thể theo đề xuất của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp mà người đại diện sở hữu vốn tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Kế toán trưởng của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp được quy định tại khoản 14 Điều 12 Luật này.
Cụ thể theo khoản 14 Điều 12 trong dự thảo Luật
Doanh nghiệp Nhà nước không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là ngành nghề kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản;
b) Cho thuê, khai thác văn phòng, trụ sở làm việc của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư quy định tại Luật này hoặc có văn bản chấp thuận của cơ quan chủ sở hữu vốn.
Ngoài ra theo đề xuất, doanh nghiệp Nhà nước cũng không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, trừ ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ an ninh, quốc phòng theo quy định của Chính phủ.
Không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Cuối cùng theo dự thảo Luật, doanh nghiệp Nhà nước cũng không được góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
Thẩm tra về nội dung này, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định, dự thảo luật quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn “khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp trên cơ sở nhiệm vụ được giao, ngành, nghề kinh doanh chính”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quy định không được đầu tư vốn vào một số lĩnh vực là hạn chế quyền của doanh nghiệp, thu hẹp phạm vi, lĩnh vực đầu tư và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước so với các loại hình doanh nghiệp khác.
Quy định như dự luật cũng chưa bao gồm trường hợp ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng được kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. (như trường hợp Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam).
Do vậy, để bảo đảm bao quát, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đề nghị rà soát, bổ sung quy định trong dự thảo Luật.
Thanh tra, giám sát doanh nghiệp Nhà nước?
Cũng theo tờ trình của Chính phủ, vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được xác định theo mức vốn do cơ quan đại diện sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp và doanh nghiệp đã ghi nhận đủ vốn tương ứng với tỉ lệ vốn góp tại điều lệ công ty và giấy chứng nhận đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp gồm: Nguồn từ ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các nguồn khác; Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp; lợi nhuận, cổ tức được chia bằng cổ phiếu theo quyết định của cấp có thẩm quyền; giá trị thặng dư cổ phiếu.
Về giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá và báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xác định rõ từng chủ thể thực hiện như: giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát và kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm tra và thanh tra của Chính phủ, giám sát và kiểm tra nội bộ của doanh nghiệp.
Việc đánh giá được thực hiện đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ và người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê.
Kết quả đánh giá là cơ sở để có ý kiến việc trích lập, chi quỹ khen thưởng, phúc lợi và điều chỉnh nhiệm vụ, xếp loại người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện thẩm tra, phê duyệt, tổng hợp báo cáo để Bộ Tài chính thẩm tra, tổng hợp trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!