Theo báo cáo “Thị trường BĐS Việt Nam Q2 & 6T/2023” vừa được công bố của của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm đồng hành và hỗ trợ thị trường bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách mới, nhưng khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự được cải thiện đáng kể trong 06 tháng đầu năm 2023. Tình trạng khó khăn không chỉ tác động đến các đơn vị tham gia thị trường bất động sản mà còn ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan khác. “Khi nào thị trường BĐS khởi sắc” là câu hỏi thường trực, niềm trông mong của rất nhiều đối tượng, không chỉ giới hạn ở các đối tượng trực tiếp tham gia thị trường BĐS.
Mặt khác, các số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, trong khi tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại ghi nhận âm 1,32%.
Ở góc nhìn của TS.Phạm Anh Khôi – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế – tài chính – bất động sản (DXS FERI), CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh, tín dụng kinh doanh bất động sản đã tăng và đây là một tín hiệu tốt. Điều này cho thấy các đơn vị kinh doanh địa ốc đã khởi động lại các dự án. Mặt khác, ở phía cầu, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu mua nhà cao hàng đầu thế giới. Đồng thời, nhiều thống kê cũng chỉ ra, chênh lệch giữa thu nhập và giá nhà tại Việt Nam vẫn còn cao. Do đó, nhu cầu vay để mua bất động sản luôn tồn tại. Tuy nhiên, trong 12 tháng trở lại đây người tiêu dùng đang hạn chế tiếp cận tín dụng bất động sản. Đây là một vấn đề đáng lưu ý.
Theo ông Khôi, việc tín dụng bất động sản tiêu dùng tăng trưởng chậm xuất phát từ 2 vấn đề: 1) các khó khăn về mặt tài chính và tín dụng; 2) các triển vọng về thị trường.
Về vấn đề thứ nhất, ông Phạm Anh Khôi cho rằng lãi suất đang là rào cản hàng đầu trong việc tiếp cận vốn của người mua nhà. Dù Ngân hàng Nhà nước đã có hàng loạt các động thái hạ lãi suất, nhưng lãi suất cho vay trên thực tế vẫn chưa được giảm nhiều. Người mua nhà đang phải đi vay vốn với lãi suất đến 13-14%/năm. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế khó khăn cũng đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người mua nhà. Điều này dẫn đến người mua nhà không mạnh tay vay vốn tham gia thị trường bất động sản.
Về vấn đề thứ hai, Viện trưởng DXS FERI, nhiều dự án bất động sản đang bị vướng mắc pháp lý, dẫn đến niềm tin của người dân vào các chủ đầu tư cũng bị lung lay. Điều này khiến cho người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ hơn trước khi mở hầu bao để đầu tư.
“Bên cạnh các giải pháp tài chính về nguồn tiền cho người mua nhà. Thị trường vẫn cần các biện pháp củng cố niềm tin, để từ đó tình hình giao dịch bất động sản cũng như tín dụng mua nhà có thể khởi sắc trở lại”, ông Phạm Anh Khôi đánh giá.
Viện trưởng DXS FERI dự báo, 6 tháng cuối năm thị trường bất động sản và tín dụng mua nhà sẽ vẫn phục hồi, song khó ghi nhận sự đột phá. Thị trường vẫn cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ dòng tiền tín dụng và tiền nhàn rỗi của người dân trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nếu lãi suất cho vay mua nhà được hạ về mức 6-8%, nhu cầu vay mua nhà có thể được kích thích quay trở lại sớm hơn. Ngoài ra, nếu lãi suất huy động tiếp tục xuống sâu, dòng tiền sẽ tìm đến các kênh đầu tư có suất sinh lời cao hơn tiền gửi. Trong kịch bản đó, thị trường bất động sản có thể tích cực hơn. Ngoài ra, nếu các điểm nghẽn pháp lý được xử lý triệt để, hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh, thị trường địa ốc cũng có thể hồi phục sớm hơn.
“Giai đoạn này, người đi vay để mua bất động sản cần đánh giá kỹ khả năng chi trả cũng như sức chịu đựng trước rủi ro. Đối với những nhà đầu tư có dòng thu nhập và lượng tiền nhàn rỗi không cao, không ổn định thì rủi ro sẽ khá lớn trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện tại. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư có dòng tiền mạnh, khả năng chịu rủi ro cao hơn, đây là lúc rất phù hợp để nắm được các tài sản có tiềm năng tăng giá và được chiết khấu thấp hơn so với thông thường”, ông Khôi đánh giá.