Cơ sở pháp lý để tạm giam người mẫu Ngọc Trinh
Người mẫu Ngọc Trinh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Gây rối trật tự công cộng. Luật sư đã có những phân tích cho thấy cơ sở pháp lý để tạm giam người mẫu này.
Như VietNamNet đã đưa, người mẫu Ngọc Trinh bị Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 BLHS.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, có lẽ căn cứ vào văn bản kiến nghị của chính quyền địa phương và đánh giá những tác động tiêu cực từ hành vi vi phạm giao thông đường bộ đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội của Ngọc Trinh, mà cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết liệt xử lý đối với người mẫu này.
Hình ảnh Ngọc Trinh tạo dáng nguy hiểm trên mô tô. Ảnh: Cắt từ clip
|
Với Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 được áp dụng hiện nay, hành vi gây rối trật tự công cộng được mở rộng theo hướng tùy nghi cho cơ quan tiến hành tố tụng để áp dụng chế tài hình sự nên không còn quy định “hậu quả nghiêm trọng” bằng những con số định lượng như luật cũ và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán trước đây.
Chỉ cần hành vi được xác định là “ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” là có thể xử lý hình sự. Hành vi gây rối trật tự công cộng có ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hay không là hậu quả có tính chất định tính và do cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá.
BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm.
|
Luật sư phân tích, với thông tin diễn biến ban đầu, có thể Ngọc Trinh bị khởi tố theo khoản 1, Điều 318 BLHS với khung hình phạt là phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng- 2 năm.
Đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng theo quy định tại Điều 9, BLHS. Trong trường hợp bị kết tội về tội danh này, hình phạt cao nhất đến 2 năm tù, trừ trường hợp bị can, bị cáo còn phạm tội khác (nếu có).
Căn cứ để tạm giam Ngọc Trinh
Điều đáng chú ý trong vụ án này là CQĐT khởi tố Ngọc Trinh về tội Gây rối trật tự công cộng và áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can để điều tra.
Theo luật sư, thông thường đối với các tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, CQĐT sẽ không tạm giam, chỉ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi khởi tố bị can. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giam với các bị can bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng nếu như bị can không có nơi cư trú rõ ràng, có dấu hiệu bỏ trốn, cản trở hoạt động điều tra…
Tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là các biện pháp ngăn chặn bị can để thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Nếu bị áp dụng biện pháp tạm giam thì bị can sẽ bị giam giữ, bị cách ly với đời sống xã hội trong thời gian tiến hành tố tụng.
Còn nếu áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì bị can vẫn được ăn ở sinh hoạt bình thường tại nhà, tại nơi cư trú của mình và chỉ có mặt khi CQĐT yêu cầu.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay, Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo trong những trường hợp sau:
Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 2 năm và trong trường hợp có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử, hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kì nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc là người già yếu, người đang bệnh nặng, có nơi cư trú rõ ràng thì không bị tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Chỉ trong những trường hợp đặc biệt như phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có căn cứ cho rằng nếu không tạm giam thì người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì mới tạm giam họ.
Luật sư cho rằng, trường hợp Ngọc Trinh bị điều tra theo khoản 2, Điều 318 (hình phạt trên 2 năm tù) và có căn cứ cho thấy, nếu không tạm giam, bị can có thể bỏ trốn hoặc cản trở hoạt động điều tra, lúc này CQĐT tiến hành tạm giam cô người mẫu để điều tra theo quy định pháp luật là có cơ sở.
T.Nhung