Các điều kiện vĩ mô có đang tạo ra “thiên thời, địa lợi” tốt cho ngành ngân hàng?
Theo ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc Khối Phân tích, công ty tư vấn tài chính và quản lý gia sản FIDT, ngân hàng là các tổ chức kinh doanh chênh lệch lãi suất. Do đó, các thay đổi về mặt vĩ mô, đặc biệt là lãi suất sẽ rất có ảnh hưởng đến các định chế này. Vừa qua, NHNN đã có 4 đợt hạ lãi suất điều hành và 3 lần hạ trần lãi suất huy động, đây là những động thái rất quyết liệt về chính sách tiền tệ. Nhờ các chính sách này, lãi suất các kỳ hạn đã giảm đáng kể so với đỉnh cuối 2022. Việc giảm lãi suất sẽ tác động tích cực đến ngành ngân hàng ở ít nhất 3 khía cạnh.
Cụ thể, trước hết ngân hàng thường huy động vốn các kỳ hạn ngắn hơn và cho vay các kỳ hạn dài hơn. Thông thường, lãi suất huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Do đó, trong giai đoạn lãi suất giảm, biên lãi ròng (NIM) của các nhà băng sẽ tăng lên và góp phần khiến lợi nhuận của các ngân hàng tích cực hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là những điểm sáng trong ngắn hạn. Vì về dài hạn nhà điều hành vẫn đang có chủ trương giảm mặt bằng chi phí vốn cho nền kinh tế.
Điểm cộng thứ hai là môi trường lãi suất thấp sẽ giúp củng cố chất lượng tài sản của các ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại. Theo đó, việc hạ lãi suất cho vay sẽ giảm thiểu đáng kể khả năng không thực hiện được các nghĩa vụ nợ của khách hàng, từ đó áp lực nợ xấu lên các ngân hàng sẽ được hạ xuống.
Tác động tích cực thứ 3 là lãi suất thấp sẽ khuyến khích người dân, doanh nghiệp vay nhiều hơn cho tiêu dùng, đầu tư. Qua đó, tăng trưởng tín dụng của các nhà băng sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.
Chuyên gia từ FIDT nói thêm, mới đây, NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) gần 14% cho các tổ chức tín dụng. Hành động này sẽ giúp các nhà băng có thể chủ động hơn trong việc cho vay.
“Từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng yếu chủ yếu do 3 vấn đề: 1) kinh tế khó khăn, khiến khả năng trả nợ của người dân giảm sút do đó người tiêu dùng cũng hạn chế đi vay; 2) doanh nghiệp không có đầu ra nên không mặn mà vay vốn; 3) các đơn vị sản xuất kinh doanh muốn vay nhưng lại gặp phải các vướng mắc về tài sản bảo đảm, thủ tục giấy tờ. Do đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã giao room, song vẫn cần phải giải quyết các khúc mắc trên để quay lại với đà tăng trưởng tín dụng”, ông Huỳnh Hoàng Phương đánh giá.
Dự báo về tình hình lãi suất thời gian tới, Giám đốc khối phân tích FIDT cho rằng vẫn còn một đợt hạ lãi suất điều hành trong quý 3/2023, do nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tương đối khó khăn và chủ trương của Chính Phủ vẫn đang là nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Nền lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong quý 3/2023 và đi ngang trong quý cuối năm, đồng thời tốc độ giảm sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm. Ngược lại, lãi suất cho vay cũng sẽ lại giảm mạnh hơn trong 2 quý cuối năm.
Dự báo kết quả kinh doanh ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2023
Giám đốc Khối phân tích FIDT cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, về mặt tổng thể, kết quả kinh doanh của các ngân hàng niêm yết vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều yếu tố để củng cố đà tăng trưởng. Mặt khác, tăng trưởng của các nhà băng sẽ có sự phân hóa giữa.
Cụ thể, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao; hay nhóm có chi phí vốn thấp sẽ có tăng trưởng tín dụng tốt hơn, biên lãi ròng không suy giảm nhiều khi lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian tới. Kết quả kinh doanh nhóm này nhìn chung sẽ cải thiện nhanh hơn so với các nhà băng khác trong nửa cuối năm 2023.
Về chất lượng tài sản, quý 1/2023, tình hình nợ xấu của các nhà băng đã có chuyển biến không tích cực, nợ nhóm 2 đã tăng mạnh.
“Tôi cho rằng chất lượng tài sản thật của các ngân hàng vẫn chưa có nhiều cải thiện trong quý 2/2023 và nửa cuối năm 2023, dù NHNN đã ban hành Thông tư 02 về cơ cấu nợ. Trong nửa cuối năm, chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và khả năng xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tình hình sẽ bắt đầu cải thiện từ 2024”, ông Huỳnh Hoàng Phương dự báo.
Nửa cuối năm 2023 cổ phiếu ngân hàng sẽ vượt khó hay khó vượt?
Giám đốc Khối phân tích FIDT cho rằng nửa cuối năm 2023, lãi suất huy động giảm sẽ khiến kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn như trước. Chứng khoán vẫn là kênh thu hút dòng tiền tốt.
“Theo tôi, triển vọng thị trường chứng khoán vào những tháng cuối năm tương đối khả quan, đặc biệt khi những chính sách, động thái hỗ trợ nền kinh tế đem lại những hiệu quả ban đầu nhất định. Đầu tư công, dầu khí thượng nguồn, các doanh nghiệp xuất khẩu và chứng khoán là các ngành mà tôi cho rằng sẽ được dòng tiền tìm đến nhiều do có câu chuyện tăng trưởng rõ ràng hay kỳ vọng vào xu hướng phục hồi”, ông Phương dự báo.
Chuyên gia nói thêm, thị trường chứng khoán Việt Nam gắn liền với ngành ngân hàng – một trong các “trụ cột” chính đóng góp lớn nhất vào vốn hóa của VNIndex. Do đó, triển vọng ngành ngân hàng cũng sẽ lạc quan, khi thị trường được dự báo sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng của các cổ phiếu ngân hàng khó vượt những cổ phiếu thuộc các ngành bên trên.