Corporate America gửi thông điệp tới Phố Wall: Việc cắt giảm chi phí trong năm nay là nghiêm túc.
Từ các nhà sản xuất đồ chơi và mỹ phẩm đến các công ty chuyên bán phần mềm văn phòng cùng nhiều lĩnh vực khác đã tuyên bố sa thải nhân viên và có những kế hoạch để cắt giảm chi phí. Ngay cả ở một số công ty đang có lãi cũng không ngoại lệ.
Nhà sản xuất Barbie Mattel, PayPal, Cisco, Nike, Estée Lauder và Levi Strauss chỉ là một vài trong số các công ty đã cắt giảm việc làm trong những tuần gần đây.
Macy’s – một trong những cửa hàng bách hóa hàng đầu thế giới đến từ Mỹ cho biết họ sẽ đóng cửa 5 cửa hàng bách hóa cùng tên và cắt giảm hơn 2.300 việc làm. JetBlue Airways và Spirit Airlines đã đề nghị để nhân viên thôi việc tự nguyện và cung cấp gói trợ cấp thôi việc (buyout). Còn United Airlines cắt giảm suất ăn hạng nhất trên một số chuyến bay ngắn của hãng.
Khi người tiêu dùng thận trọng với túi tiền của mình, các công ty cảm thấy áp lực từ các nhà đầu tư và buộc phải làm điều tương tự. Các nhà điều hành đã tìm cách cho các cổ đông thấy rằng họ đang điều chỉnh theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của EY cho biết: “Bạn đang ở trong một môi trường mà sự mệt mỏi về chi phí là bài toán khó đối với người tiêu dùng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Chi phí của hầu hết mọi thứ đều cao hơn nhiều so với trước đại dịch, cho dù đó là hàng hóa, đầu vào, thiết bị, lao động, thậm chí cả lãi suất”.
Có một số trường hợp ngoại lệ đối với làn sóng cắt giảm chi phí gần đây: Ví dụ, Walmart tháng trước cho biết họ sẽ xây dựng hoặc chuyển đổi hơn 150 cửa hàng trong 5 năm tới, cùng với khoản đầu tư hơn 9 tỷ USD để hiện đại hóa nhiều cửa hàng hiện tại của mình.
Nhưng một số đơn vị khác, chẳng hạn như ngân hàng, đã thực hiện cắt giảm sâu. Năm trong số các ngân hàng lớn nhất, bao gồm Wells Fargo và Goldman Sachs, đã cùng nhau loại bỏ hơn 20.000 việc làm vào năm 2023. Hiện họ đang chờ Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất để giải phóng tiền mặt cho các hoạt động mua bán và sáp nhập đang bị dồn nén.
Mặc dù nỗ lực đạt được lợi nhuận cao hơn của các công ty không phải là mới, nhưng họ đã ưu tiên củng cố lợi nhuận trong năm nay.
Việc cắt giảm có quy mô đã lan rộng khắp ngành công nghệ, khi các công ty đi theo sự cắt giảm năm 2023 của Meta, điều mà nhiều nhà phân tích tin rằng đã giúp gã khổng lồ này phục hồi sau một năm 2022 khó khăn. CEO Mark Zuckerberg đã gọi năm 2023 là “năm hiệu quả” đối với công ty mẹ của Facebook và Instagram, khi cắt giảm quy mô lực lượng lao động của mình và cam kết sẽ tiếp tục phương pháp tiếp cận tinh gọn hơn.
Trong những tuần gần đây, Amazon, Alphabet, Microsoft và Cisco cùng nhiều hãng khác đã thông báo cắt giảm nhân sự.
UPS cũng cho biết họ đang cắt giảm 12.000 việc làm, tiết kiệm cho công ty 1 tỷ USD, Giám đốc điều hành Carol Tome cho biết vào cuối tháng trước. Nhiều công ty bán lẻ, truyền thông và giải trí lớn nhất cũng đã tuyên bố cắt giảm lực lượng lao động, bên cạnh những đợt cắt giảm khác.
Warner Bros. Discovery đã cắt giảm chi tiêu cho nội dung và số lượng nhân viên.
Tuần trước, Paramount Global đã thông báo sa thải hàng trăm người nhằm mục đích “hoạt động như một công ty tinh gọn và chi tiêu ít hơn”, theo Giám đốc điều hành Bob Bakish. NBCUniversal của Comcast, công ty mẹ của CNBC gần đây cũng đã cắt giảm việc làm.
JetBlue Airways, hãng chưa công bố lợi nhuận hàng năm kể từ trước đại dịch, đang trì hoãn khoảng 2,5 tỷ USD chi tiêu vốn cho các máy bay Airbus mới cho đến cuối thập kỷ này.
Có lãi nhưng Delta Air Lines vào tháng 11 cho biết họ đang cắt giảm một số vị trí văn phòng và gọi đây là một “sự điều chỉnh nhỏ”.
Một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu như General Motors và Ford Motor, đã giảm chi tiêu hàng tỷ USD thông qua việc giảm hoặc trì hoãn đầu tư vào xe chạy hoàn toàn bằng điện. Các công ty có trụ sở tại Mỹ cũng như các công ty khác, chẳng hạn như Stellantis có trụ sở tại Hà Lan, gần đây đã giảm số lượng nhân viên và biên chế thông qua buyout hoặc sa thải.
Tham khảo CNBC