Chỉ số S&P 500 tăng 1,6%. Chỉ số Dow Jones có thời điểm tăng 509 điểm, tương đương 1,3% và Nasdaq Composite nặng về công nghệ tăng 1,6%.
Một số cổ phiếu công nghệ lớn đã phục hồi sau đợt giảm mạnh vào thứ Hai. Nvidia tăng 3,6% và Meta Platforms tăng 2,5%. Trong khi đó, Apple tiếp tục giảm gần 2%.
Tâm lý thị trường được xoa dịu nhờ cổ phiếu Nhật Bản tăng trở lại. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng vọt 10,2%, ghi nhận ngày tốt nhất kể từ tháng 10 năm 2008. Đợt tăng đột biến này diễn ra một ngày sau khi chỉ số này trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987, sụt giảm 12,4%.
Đầu tuần, nỗi lo suy thoái kinh tế bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số Dow Jones gồm 30 cổ phiếu đã giảm 1.033,99 điểm, tương đương 2,6%, trong khi S&P 500 giảm 3%. Cả hai chỉ số đều ghi nhận phiên giao dịch tệ nhất kể từ tháng 9 năm 2022. Nasdaq Composite giảm 3,4%, lao dốc sâu hơn vào bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Ngoài suy thoái, một trong những yếu tố chính gây ra tình trạng bán tháo là sự đảo chiều của chiến lược đầu tư carry trade đồng yên (giao dịch dựa trên chênh lệch lãi suất).
Tuần trước, Ngân hàng Nhật Bản đã tăng lãi suất, góp phần khiến đồng yên tăng giá. Điều đó đã ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà giao dịch vay bằng loại tiền tệ rẻ hơn để mua các tài sản toàn cầu khác.
Chiến lược gia đầu tư Ross Mayfield tại Baird cho biết biến động có thể sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian tới, khi giao dịch chênh lệch lãi suất tiếp tục thoái trào.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm áp lực trong những tuần tới, nhưng tôi nghĩ rằng nỗi sợ đã tăng quá đà”, Mayfield cho biết.
Thị trường lao động vẫn tương đối lành mạnh, dù có phần hạ nhiệt. Các chỉ số kinh tế khác dường như vẫn mạnh mẽ, Chiến lược gia Mayfield nói thêm: “Mặc dù tôi nghĩ rằng sự biến động của thị trường có thể tiếp diễn, nhưng tôi ít lo lắng hơn về các yếu tố nền tảng tiềm tàng”.
Theo CNBC