Đường hầm Shenzhong kết nối Thâm Quyến và Trung Sơn ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc đã được hoàn thiện vào khoảng giữa tháng 6. Quá trình xây dựng đã kết thúc sau 5 năm thi công và đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong sự phát triển các tuyến đường kết nối của cả khu vực này.
Theo China Media Group, đây là đường hầm dưới biển bằng bê tông, có vỏ thép dài và rộng nhất thế giới với tổng chiều dài 6,8 km. Đường hầm này cũng là một phần quan trọng của Liên kết Thâm Quyến – Trung Sơn. Đây là siêu sự án với các con đường xuyên biển bao gồm cầu, 2 đảo nhân tạo, đường hầm và các đường kênh dưới nước, với tổng chiều dài là khoảng 24 km.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, đảo nhân tạo có diện tích 343.800 m2, tương đương 48 sân bóng đá tiêu chuẩn và được xây dựng cùng các công trình đường hầm, bến tàu cứu hộ, nhà hỗ trợ cung cấp và phân phối điện.
Liên kết Thâm Quyết – Trung Sơn dự kiến sẽ được thông xe vào năm 2024. Dự án này sẽ giúp cắt giảm thời gian di chuyển giữa 2 thành phố từ 2 giờ xuống chỉ còn 30 phút. Sau khi hoàn thiện, tuyến đường này sẽ thúc đẩy hoạt động vận tải trong khu vực Vịnh Lớn (GBA), bao gồm đặc khu hành chính Hong Kong và Macao, và 9 thành phố lớn ở tỉnh Quảng Đông, như Quảng Châu và Thâm Quyến.
Vào tháng 4/2023, cầu Lingdingyang, cây cầu vượt biển nằm trong siêu dự án Liên kết Thâm Quyến – Trung Sơn, với tổng chiều dài 17 km, đã được hoàn thiện ở giai đoạn cuối cùng. Trong khi đó, đường hầm dưới biển là “mảnh ghép” cuối của dự án này.
Đường hầm giữa Thâm Quyến và Trung Sơn được xây dựng từ 32 ống, mỗi ống dài 165 m và nặng 80.000 tấn. Các ống được vận chuyển bằng cách “đi trên mặt nước” suốt 50 km dọc theo Kênh Lingdingyang bằng một con tàu có thiết kế đặc biệt.
Tàu Yihangjinan-1 hiện là tàu lớn nhất và hiện đại nhất thế giới được sử dụng để vận chuyển và lắp đặt đường ống dưới biển. Tàu này có công suất lắp đặt cao nhất và độ chính xác cực kỳ lớn, cũng được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất.
Yihangjinan-1 giúp giảm hơn 80% thời gian tạm dừng hoạt động của Kênh Lingdingyang, hơn 70% thời gian nạo vét kênh và nâng cao hiệu quả vận chuyển, lắp đặt ống cao hơn gấp đôi so với công nghệ tuyền thống.
Các đường ống dưới nước được đặt vào vị trí cần thiết từ đáy tàu và thẳng hàng với các ống khác. Tuy nhiên, module ống cuối cùng – E23, thì cần được chế tạo theo các khác. Sau khi phần E23 được đặt đúng vị trí, máy kích thuỷ lực sẽ được sử dụng đẩy khớp nối gắn với E32 ra phía ngoài để kết nối với đầu ống E24.
Zhong Huihong, phó giám đốc Trung tâm Quản lý Liên kết Thâm Quyến – Trung Sơn, cho biết “việc kết nối các ống như làm một ngăn kéo khổng lồ”. Ông nói thêm, quá trình này cho phép đội ngũ xây dựng tận dụng lợi thế của thiết bị, giảm rủi ro khi thi công và đảm bảo độ tin cậy của dự án.
Ngoài quá trình vận chuyển trên mặt nước và lắp ghép, một khía cạnh quan trọng khác trong kế hoạch xây dựng đường hầm dưới biển là xây móng, bao gồm đào hào và san lấp mặt bằng.
Đường hầm xuyên biển giữa Thâm Quyến và Trung Sơn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khu vực GBA Quảng Đông – Hong Kong – Macao.
Dù đường hầm và cầu của tuyến liên kết này hiện đã được hoàn thiện, song dự án này vẫn còn phải tiếp tục phát triển các tuyến đường, thiết lập hệ thống điện, nghiệm thu tính an toàn và lắp đặt các thiết bị khác trước khi được vận hành vào năm 2024.
Tham khảo Global Times, CGTN