Công trình này chính là đập Tam Hiệp, đập thủy điện vô cùng hoành tráng ở Trung Quốc. Theo các chuyên gia, kể từ khi tổ máy phát điện đầu tiên được đưa vào vận hành năm 2003, đập Tam Hiệp đã sản xuất hơn 1.600 tỷ kWh điện. Đây là con số tương đương với tổng lượng điện sử dụng trực tiếp của người dân ở Trung Quốc trong năm 2022.
Hơn nữa, con số trên cũng tương đương với lượng điện sản xuất từ hơn 480 triệu tấn than tiêu chuẩn. Do đó, sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, đập Tam Hiệp đã giúp giảm tới 1,32 tỷ tấn khí thải CO2.
Trên thực tế, với 34 tổ máy phát điện turbo, nhà máy thủy điện này có tổng công suất lắp đặt 22,5 triệu kW, gấp 10 lần công suất của nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới Bhadla Solar Park ở Ấn Độ. Theo thiết kế, công suất phát điện hàng năm của nhà máy thủy điện Tam Hiệp là 88,2 tỷ kWh.
Công trình nhà máy thủy điện Tam Hiệp được coi là xương sống của các dự án truyền tải điện từ tây sang đông, đồng thời cung cấp điện từ bắc đến nam ở Trung Quốc. Ngoài ra, nhà máy này cũng cung cấp điện cho các khu vực khác nằm ngoài dự án như miền trung Trung Quốc và tỉnh Quảng Đông ở phía nam của quốc gia này.
Dự án nhà máy thủy điện Tam Hiệp bắt đầu được khởi công xây dựng vào năm 1994. Sau khi vượt qua tất cả các bài kiểm tra thử nghiệm, nhà máy đã chính thức được công nhận là hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020. Bên cạnh việc sản xuất điện, nhà máy thủy điện Tam Hiệp cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lũ lút, đồng thời vận chuyển và sử dụng tài nguyên nước.
Nhà máy thủy điện Tam Hiệp cùng với 5 nhà máy khác trên sông Dương Tử tạo thành hành lang năng lượng sạch lớn nhất trên thế giới.
Đập Tam Hiệp hoành tráng đến mức nào?
Bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 1994 và vận hành đầy đủ từ tháng 7/2012, đập Tam Hiệp ở Tam Đẩu Bình, thuộc Nghi Sơn, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) được coi là một trong những công trình hoành tráng và tốn kém nhất mà quốc gia này từng xây dựng.
Trong suốt nhiều năm xây dựng và vận hành, đập Tam Hiệp đã tạo ra nhiều giá trị lợi ích khổng lồ về kinh tế, du lịch…, nhưng đồng thời cũng là công trình tiềm ẩn rủi ro với những nguy cơ đã được cảnh báo. Theo đó, ngay từ khi chưa được xây dựng, có nhiều ý kiến phản đối và lo ngại con đập sẽ là hủy hoại cảnh quan, các di tích khảo cổ, nguy cơ sạt lở và đặc biệt là nguy cơ xảy ra thảm họa nếu đập bị vỡ.
Đập Tam Hiệp nằm chặn ngang sông Dương Tử (hay còn gọi là Trường Giang), con sông dài thứ ba trên thế giới, đoạn qua Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Sự đồ sộ của công trình này có thể nhận thấy ngay cả trong những hình ảnh vệ tinh.
Theo các chuyên gia, đập Tam Hiệp có chiều dài 2.355 m, đỉnh đập cao 185 m so với mực nước biển. Ước tính có hơn 27 triệu m3 bê tông, 463.000 tấn thép (đủ để xây dựng 63 tháp Eiffel) được sử dụng để cấu thành nên công trình hoành tráng. Đặc biệt, có 102,6 triệu m3 đất đã được đào khi xây dựng công trình này.
Trong quá trình xây dựng, hơn 1 triệu người sống trong khu vực này đã phải di dời. Tính từ thời điểm khởi công năm 1994, chi phí xây dựng đập Tam Hiệp lên tới hơn 30 tỷ USD.
Ngoài sản xuất điện, kiểm soát lũ lụt và thúc đẩy vận tải đường sông, đập Tam Hiệp còn là điểm đến thu hút khách du lịch trong nhiều năm qua. Theo thông tin từ Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, đập Tam Hiệp đã đón lượng khách du lịch kỷ lục trong vòng 6 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, có tới 1,5 triệu lượt khách đã tới tham quan công trình này trong nửa đầu năm 2023, nhiều hơn 50.000 lượt khách du lịch so với cùng kỳ năm 2019.
Bài viết tham khảo nguồn: CGTN, Xinhua, Britannica