Ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản: Quan tâm công tác phối hợp là nền tảng hoàn thành tốt nhiệm vụ Có thể khẳng định rằng, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ Tài chính năm vừa qua rất tốt. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề được giao. Năm 2024, lĩnh vực quản lý tài sản công nhận được sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành. Sự quan tâm đó vừa là cơ hội để thay đổi phương thức quản lý tài sản công, nhưng cũng là thách thức lớn với cơ quan chủ trì công tác này là Bộ Tài chính, mà cụ thể là Cục Quản lý công sản. Mặc dù vậy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình của các đơn vị chuyên môn trong Bộ, Cục Quản lý công sản đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo yêu cầu đặt ra. Năm 2024, đơn vị đã hoàn thành 26 đề án, vừa hoàn thiện vừa xây dựng mới. Cho đến nay, 18 đề án đã được các cấp có thẩm quyền ký ban hành gồm: Luật số 56 sửa đổi bổ sung Luật Tài sản công, 10 Nghị định của Chính phủ, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 4 Thông tư của Bộ Tài chính. Trong tháng 1/2025 sẽ ký ban hành tiếp 6 Nghị định của Chính phủ. Một điểm nhấn đáng chú ý là cục đã báo cáo Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính chuyển phương thức quản lý tài sản công từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Hơn 1 năm qua, cán bộ công chức đơn vị tập trung vào sửa đổi các văn bản pháp luật để triển khai nhiệm vụ này. Đến nay, khoảng 60% công việc nội vụ xử lý thường xuyên đã được giảm bớt. Với các văn bản sắp tới sẽ ký dự kiến số lượng giảm sẽ lên tới 90%. Nghĩa là Bộ Tài chính chỉ giải quyết các vấn đề liên bộ, cấp trung ương, còn lại sẽ phân cấp để tập trung nguồn lực xử lý các vấn đề tổng thể và kiểm tra, giám sát. Ý nghĩa của công tác phối hợp còn được thể hiện qua việc triển khai thuận lợi, khẩn trương chính sách tổng kiểm kê tài sản công trong cả nước với 19 loại tài sản khác nhau ở hơn 100.000 đơn vị. Thời gian tới, công tác phối hợp giữa các đơn vị cần được tăng cường hơn nữa để góp phần giúp ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. |
Ông Phạm Thu Phong – Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam: Phát huy tối đa vị thế, đem thông tin kinh tế, tài chính đến cộng đồng Với báo chí ngành Tài chính, năm 2024 là năm có nhiều chuyển biến tích cực. Dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ, công tác thông tin, tuyên truyền của Bộ Tài chính, nhất là truyền thông chính sách ngày càng kịp thời, chủ động, tiếp tục khẳng định vai trò, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội. Đối với Thời báo Tài chính Việt Nam – giữ vai trò là cơ quan ngôn luận của ngành Tài chính, đơn vị đã phát huy tối đa vị thế, đem thông tin kinh tế, tài chính đến cộng đồng. Nội dung và hình thức thể hiện của Báo phát triển mạnh mẽ theo hướng đa loại hình, đa nền tảng. Đặc biệt, năm 2024, Thời báo Tài chính Việt Nam đã quyết liệt chuyển đổi số báo chí và đạt được những kết quả quan trọng. Theo Công bố kết quả đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, Thời báo Tài chính Việt Nam thuộc “Top 10” cơ quan báo chí Trung ương được xếp hạng tốt về chuyển đổi số. Năm 2025 là năm đánh dấu kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành Tài chính Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính, với sự chung sức chung lòng của toàn thể đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chúng tôi tin tưởng rằng ngành Tài chính sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng tuôn chảy, lan rộng, hợp dòng với những nguồn cảm hứng tích cực khác thấm vào mỗi chúng ta, biến thành động lực mỗi ngày. |
Bà Ngô Thị Nhung – Chủ tịch Công doàn Bộ Tài chính: Triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động Năm 2024, Công đoàn Bộ Tài chính đã tổ chức triển khai có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực hoạt động công đoàn, đặc biệt là các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; công tác vận động, tuyên truyền triển khai các phong trào thi đua yêu nước; các hoạt động xã hội, tình nghĩa và hoạt động nữ công. Có thể kể đến một số điểm nhấn như: thăm hỏi, động viên 28 gia đình cán bộ, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, mắc bệnh dài ngày, bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền trị giá 14 triệu đồng; mua bảo hiểm thân thể 24/24 cho cán bộ, đoàn viên các công đoàn bộ phận và cơ sở thành viên; phối hợp cùng Đảng ủy Bộ vận động một số đơn vị hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bản xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên với tổng số tiền trên 3,6 tỷ đồng; phối hợp cùng chính quyền đồng cấp kêu gọi ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 Yagi với tổng số tiền trên 2,89 tỷ đồng… Xuất phát từ lắng nghe những tâm tư, đề xuất, kiến nghị của người lao động Bộ Tài chính, năm 2025, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương, Công đoàn Bộ Tài chính chuyển tới hội nghị đề nghị của người lao động tới các cấp lãnh đạo sớm có hướng dẫn, tuyên truyền để cán bộ công chức, người lao động nắm bắt thông tin liên quan đến các chế độ nghỉ hưu trước tuổi, việc sắp xếp cán bộ, việc bổ nhiệm lại sau khi sắp xếp để người lao động có sự chủ động. Đồng thời mong muốn Bộ xem xét kiến nghị cấp có thẩm quyền có đề xuất về cơ chế tài chính để cán bộ công chức, người lao động bảo đảm thực hiện công tác chuyên môn. |