Cá tràu – một thứ “quốc bảo”!
Cá tràu, có tên khác là cá đô (miền Bắc gọi: cá quả, cá chuối; miền Nam gọi cá lóc) là loài cá có mặt ở khắp đất nước, được phân bố khắp các ruộng đồng, sông hồ, đầm phá. Ở Quảng Trị, con cá tràu sống quanh năm trên các đồng ruộng, hồ ao nước ngọt. Cá tràu, tưởng như một loài cá thông dụng, bình thường, nhưng thực ra là một loài cá quý- một thứ quốc bảo. Nhà thơ Chế Lan Viên, một người con của Quảng Trị đã có bài thơ tứ tuyệt tuyệt hay viết về cá tràu: “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế/ Khế trong vườn thêm một tí rau thơm/ Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ/ Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm!” (Canh cá tràu).
Cá tràu
|
Cá tràu sinh hoạt thường xuyên ở tầng mặt và tầng giữa. Chúng là loài tạp ăn. Vì vậy, lũ cá mại, cá diếc, cá mương đều bị chúng “ăn tươi nuốt sống”. Ở những nơi yên tĩnh, chúng trồi lên mặt nước, nằm im để rình đớp bọn ếch, nhái, châu chấu là loại thường hay nhảy lăng xăng trên bờ ruộng. Ngoài biệt tài “phóng cao, nhảy xa”, cá tràu cũng giỏi môn “lặn sâu”, chui trốn dưới bùn sình chừng vài tiếng đồng hồ: “Anh đây thuộc sách Kinh Thi/ Cá nằm dưới cỏ anh nghi cá tràu” (Hát đối đáp). Biết được đặc tính của cá tràu, từ đó ta có những cách bắt cá hiệu quả. Phổ biến nhất là đi nơm cá. Buổi trưa, dùng nơm đi quanh bờ ruộng, ven bờ ao, thế nào cũng bắt gặp những chú cá tràu trồi lên mặt nước và ta cứ việc úp nơm bắt gọn. Tuy vậy, lý thú hơn phải nói là đi câu cặm. Những ngày học cấp 2 ở quê, tôi đã có vài chục cần câu cặm. Đêm mùa hè gió mát hay những đêm mưa phùn gió bấc, cứ rảnh học là đi câu cặm. Mồi câu là con trùn (giun đất). Hồi hộp và sung sướng nhất là những buổi sáng sớm đi lần câu, từ xa, nghe tiếng động đất là những chú cá tràu cắn câu đã vùng vẫy dữ dội. Vì vậy, trước khi cặm câu phải vạch nhổ những bụi cỏ xung quanh để khi cá cắn câu không còn vật gì xoắn vào để tìm đường thoát. Về mùa lúa làm đòng, câu được những con cá tràu to bằng bắp chân là bình thường.
Bắt cá tràu được nhiều và đông vui nhất là những lúc tát đìa, tát ao, tát dãy hầm. Hàng chục xe đạp nước, gàu dai được huy động để tát. Khi nước trong đìa gần cạn, chỉ có các loại cá mại, cá mương, cá thát lát, cá gáy đi theo dòng nước để rồi chui vào đụt mơợng; các loại cá hẻn (cá trê), cá tràu lủi sâu xuống đáy bùn. Những người bắt cá phải sục sạo khắp nơi có bùn để bắt những con cá tràu to. Không thể bắt hết được cá tràu trong bùn, vì vậy đây là cơ hội cho những người đi bắt sôi, có khi vớ bẫm được cá to. Nhưng cách bắt cá tràu độc đáo nhất là làm trộ nhảy, không cần dùng bất cứ ngư cụ nào cả. Ở dọc dãy hầm, từ lâu, cứ cách quãng 100 mét người ta đắp ngang một con đường đi, có để dành một lối mở ở giữa cho cá bơi lội đi lại. Vào mùa nước cạn, nhất là những đêm hè gió nam thổi mạnh hay những đêm mưa phùn gió bấc động trời, cá tràu tung tăng đi ăn. Dùng một chiếc thùng gánh nước bằng tôn, dìm thùng xuống lạch nước, chỉ để miệng thùng hơi cao hơn mặt nước khoảng mười phân, rồi cố định thùng lại, móc đất, bùn đắp chặn dòng nước. Sau khi đã chà, vuốt bùn xung quanh miệng thùng cho láng, êm, ta lấy một ít rơm rạ hoặc cỏ bỏ vào trong. Cá tràu đi theo đường nước đến đó bị đập chặn ngang, chúng phóng lên để vượt qua, thế là rơi vào thùng. Trong thùng không có nước, cá muốn nhảy ra cũng không được vì rơm cỏ lùi xùi đã che cản phía trên, đành phải nằm yên đó. Những đêm động trời, một trộ nhảy có khi được cả nửa thùng cá tràu.
Cá tràu dính câu cặm
|
Cá tràu là loài cá có thịt thơm ngon, bổ dưỡng, lại phòng trị được nhiều chứng bệnh. Ở Quảng Trị, cá tràu ngon nhất là vào tháng 10 âm lịch, lúc vào vụ lúa. “Nhất cá rô tháng giêng, nhì cá tràu tháng mười” (Tục ngữ). Cá tràu nấu với bột gạo làm nên món cháo vạc giường trứ danh của Quảng Trị. Cá tràu còn được dùng nấu canh hoặc kho khô. Cá tràu nấu canh với khế, me đất (chua), hay cá tràu nấu canh với chuối khi trái còn non, cùng bắp chuối xắt mỏng (chát) đều rất ngon, vị chua và vị chát đã khử mùi tanh của cá nên thịt cá săn chắc, ăn mềm, ngọt. Ở quê nghèo như Quảng Trị, cá tràu còn được nấu canh với khoai môn: “Khoai môn nấu với cá tràu/ Húp chưa khỏi cổ, gật đầu khen ngon” (Ca dao). Có lẽ, món canh chua cá tràu là món gợi nhớ nhất đối với những người con Quảng Trị xa quê: “Chiều nay nhìn khói đốt đồng/ Bỗng dưng con lại ước mong trở về/ Để hàn huyên với bạn bè/ Để ăn được bữa canh me cá tràu” (thơ Khê Giang).
Cá tràu được chạm khắc trên Nghị đỉnh- đỉnh thứ năm trong Cửu đỉnh, đặt tại Thế miếu- Hoàng thành, Huế
|
Đặc biệt hơn, có món cá tràu nướng kho khô. Cá tràu bắt được, đánh vảy, cắt bỏ đầu, từ mắt trở về trước, cuộn tròn, xâu vào một que tre vót nhọn, đem nướng trên bếp than hồng cho vàng. Cá nướng xong có thể đem ra phơi thêm nắng cho thật khô. Con cá lúc này trở nên săn chắc, có mùi thơm quyến rũ. Bỏ cá vào nồi đất, dưới đáy nồi lát mấy thanh tre hay thanh mía, đổ một ít nước, thêm ít lát gừng, nước mắm, muối, ớt, rồi kho liu riu lửa. Cá tràu kho như thế, ăn với cơm gạo mới thì quá ngon, thịt cá tràu vừa dai dai vừa thơm ngậy, quyện lẫn mùi thơm của gừng, vị cay của ớt, thật khoái khẩu, đê mê.
Trong sách: “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức vẫn ghi loài cá này là cá tràu (chứ không gọi là cá lóc như sau này): “Cá tràu bông phơi khô mỗi năm ghe buôn mua đến hơn 10.000 cân; còn cá tràu không bông phơi khô chỉ đủ dùng trong nước, trong ruộng nơi nào cũng có, nhưng không được nhiều [so khô cá tràu bông] mà vị ngọt hơn”.
Cá tràu với danh xưng Lục hoa ngư (cá tràu, cá đô) là một trong những loài thủy sản được liệt vào hàng “quốc bảo”. Nó được chạm khắc trên Nghị đỉnh- đỉnh thứ năm trong Cửu đỉnh, được đúc năm Ất Mùi (1836), đặt tại Thế miếu- Hoàng thành, Huế.
Nhà văn Nguyễn Linh Giang – Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh