Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một chiến dịch trấn áp ngành dạy thêm tại quốc gia này nhằm giảm bớt gánh nặng cho các gia đình. Nhưng đối với nhiều gia đình trung lưu, những nỗ lực đó lại có tác dụng ngược lại.
Theo hãng tin Bloomberg, tháng 7/2021, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một cuộc thanh tra sâu rộng đối với lĩnh vực dạy thêm tư nhân. Mục tiêu của cuộc trấn áp gồm hai phần, một là giảm bớt gánh nặng cho các gia đình, bao gồm giảm tải việc học cho học sinh và chi phí không cần thiết đối với phụ huynh; hai là hạn chế “sự mở rộng không có trật tự” của lĩnh vực trị giá 100 tỷ USD tại nước này.
Chiến dịch nổi tiếng có tên gọi “Shuang Jian” (Giảm gấp đôi) đã khiến vô số trung tâm dạy kèm rơi vào cảnh thua lỗ hoặc phá sản, đồng thời thổi bay hàng tỷ USD giá trị thị trường của các công ty dạy kèm, dẫn đến hàng chục nghìn nhân viên bị sa thải.
Tuy nhiên, theo các cuộc phỏng vấn với một số phụ huynh ở các thành phố lớn bao gồm Thượng Hải và Thâm Quyến, chi tiêu cho việc dạy kèm sau giờ học đã thực sự tăng lên đối với nhiều gia đình, đặc biệt là kể từ khi bắt đầu kỳ nghỉ hè đầu tiên kể từ khi kết thúc các hạn chế COVID-19. Cha mẹ mong muốn con mình có một khởi đầu thuận lợi trong giáo dục nên đã tìm đến các dịch vụ gia sư chui, đắt đỏ đang mọc lên như nấm.
Nhiều người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của một lệnh cấm đối với việc học thêm dạy thêm trong bối cảnh hệ thống thi tuyển sinh, trong đó các trường đại học và cao đẳng nhận học sinh chỉ dựa trên điểm thi một năm một lần, còn phổ biến. Kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc, hay còn gọi là cao khảo, nổi tiếng với sức cạnh tranh lớn khi có hơn 10 triệu học sinh tham gia kỳ thi mỗi năm. Vào được một trường đại học ưu tú thường đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội hơn để đảm bảo một công việc được trả lương cao. Chính tình trạng này dẫn đên nhu cầu luyện thi vẫn rất cao.
Sarah Wang, một bà mẹ 40 tuổi làm việc tại một công ty thương mại điện tử ở Thượng Hải, cho biết: “Gánh nặng của chúng tôi không hề giảm đi chút nào. Cuộc cạnh tranh để vào trường tốt giống như hàng ngàn quân và ngựa xô đẩy để vượt qua một cây cầu ván chật hẹp vậy”.
Giờ đây Sarah chi hơn 50% so với trước đây cho các buổi gia sư trực tiếp cho đứa con duy nhất của mình, một học sinh lớp năm. Khi con gái bắt đầu cấp trung học cơ sở và có những môn học khó hơn như vật lý, Sarah dự đoán học phí, hiện khoảng 300-400 nhân dân tệ/buổi, sẽ tăng hơn nữa.
Các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu ở các vùng khác của Trung Quốc cũng nói về những trải nghiệm tương tự. Nhiều gia sư tư nhân từng dạy các lớp lớn tại trung tâm giờ chuyển sang dạy các nhóm nhỏ hơn, trong nhiều trường hợp là một thầy một trò, để tránh bị quan chức phát hiện. Theo phụ huynh và gia sư tư nhân, để bù đắp cho sự mất mát về số lượng học sinh, nhiều thày cô giáo còn tính phí cao hơn.
Cathy Zhu, một chuyên gia dịch vụ tài chính ở độ tuổi 40 tại Thượng Hải, cho biết học phí dạy kèm toán của con trai cô đã tăng gần gấp đôi lên 300 nhân dân tệ/buổi. “Chừng nào hệ thống tuyển sinh trung học và đại học vẫn còn tồn tại, hoàn toàn không có cách nào để đạt được mức giảm như cam kết”, bà Zhu cho hay.
Có một số lớp dạy kèm trực tuyến quy mô lớn, được cấp phép chính thức với giá cả phải chăng. Nhưng những lớp học trực tuyến này không được các bậc cha mẹ ưa chuộng vì họ lo rằng con cái họ sẽ không được dạy dỗ và giám sát đầy đủ.
Phí học thêm, thường vượt quá 100.000 nhân dân tệ một năm ở các thành phố như Thượng Hải, đang bị đổ lỗi là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội bao gồm tỷ lệ sinh thấp và bất bình đẳng ngày càng tăng. Theo các nhà phân tích, chi phí nuôi dạy con cái tăng cao cùng với giá nhà đất cao ngất ngưởng đang khiến những người trẻ tuổi không muốn kết hôn và sinh con. Các gia đình nghèo hơn không có khả năng chi trả cho việc học thêm, có khả năng khiến con cái họ gặp bất lợi ở trường học và sau này là sự nghiệp của chúng.
Cạnh tranh trong kỳ thi cao khảo và sự mở rộng chóng mặt của các trường đại học trong nước trong hai thập kỷ qua cũng dẫn đến tình trạng dư cung sinh viên tốt nghiệp mà không có kỹ năng nghề thực tế nhiều nhà tuyển dụng cần. Sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang ngày càng khó tìm được công việc tri thức trong bối cảnh nền kinh tế đang đi xuống. Trước tình trạng thanh niên thất nghiệp tăng vọt, chính phủ đã kêu gọi đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp.
“Đó là hậu quả của việc mở rộng hệ thống giáo dục đại học một cách tràn lan và không bền vững nhằm đáp ứng mong muốn của các bậc cha mẹ là con cái họ không phải bươn chải kiếm sống. Giải pháp ở đây là phải điều chỉnh kỳ vọng của cha mẹ”, ,” Andy Xie, nhà phân tích độc lập và cựu kinh tế gia trưởng châu Á của Morgan Stanley tại Hong Kong (Trung Quốc), cho biết trong một chuyên mục bình luận.