Theo Thông tư, Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ban Điều hành Quỹ chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước về việc quản lý an toàn vốn, tài sản, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật và chấp hành chế độ tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
Hạch toán đầy đủ các khoản thu
Thu nhập (doanh thu) của Quỹ là khoản phải thu phát sinh trong kỳ. Một là, thu từ hoạt động nghiệp vụ gồm: thu lãi cho vay; thu phí nhận ủy thác cho vay; các khoản thu khác từ hoạt động nghiệp vụ). Hai là, thu từ hoạt động tài chính: thu lãi tiền gửi; thu từ chênh lệch tỷ giá (nếu có); thu từ hoạt động tài chính khác.
Ba là, các khoản thu khác: thu từ nhượng bán, thanh lý tài sản; thu từ hoạt động cho thuê tài sản; chênh lệch các khoản thu bảo hiểm được bồi thường đền bù tổn thất tài sản sau khi thực hiện bù đắp tổn thất; thu nợ đã xóa thu hồi được; thu từ các khoản nợ đã chuyển ngoại bảng, xuất toán; thu hoàn nhập dự phòng; thu tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế; các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư số 92 nêu rõ các khoản thu của Quỹ phải được xác định phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có đầy đủ hóa đơn hoặc chứng từ hợp lý, hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào thu nhập của Quỹ. |
Đối với thu lãi từ hoạt động cho vay, Quỹ có trách nhiệm thực hiện phân loại nợ theo đúng quy định của pháp luật để làm căn cứ hạch toán lãi phải thu và thực hiện hạch toán theo quy định tại Thông tư.
Quỹ hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro cụ thể theo quy định của pháp luật. Đối với số lãi phải thu của các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn do thực hiện chính sách của Nhà nước và số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của khoản nợ còn lại thì không hạch toán thu nhập, Quỹ thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.
Tổng doanh số cho vay từ khi thành lập đến cuối năm 2023 khoảng 15.000 tỷ đồng, dư nợ là 4.550 tỷ đồng. Ảnh TL |
Đối với thu lãi tiền gửi, Quỹ hạch toán số lãi phải thu từ tiền gửi phát sinh trong kỳ vào thu nhập.
Đối với các khoản phải thu lãi từ hoạt động cho vay đã hạch toán vào thu nhập nhưng đến kỳ hạn thu không thu được thì Quỹ hạch toán giảm thu nhập nếu cùng kỳ kế toán, hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì Quỹ hạch toán vào thu nhập.
Các chi phí của Quỹ
Thông tư cũng nêu rõ, chi phí của Quỹ là các khoản phải chi phát sinh trong kỳ liên quan đến hoạt động của Quỹ. Đó là chi phí hoạt động nghiệp vụ: phí ủy thác cho vay; chi trích lập dự phòng rủi ro cho vay theo quy định; chi chênh lệch tỷ giá (nếu có); chi mua bảo hiểm rủi ro và các loại bảo hiểm nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật; chi để thu hồi, xử lý các khoản nợ vay; các khoản chi khác từ hoạt động nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính ban hành cơ chế quản lý tài chính Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ảnh TL |
Các khoản chi hoạt động bộ máy đó là: chi cho cán bộ và người lao động: chi tiền lương, phụ cấp lương cho người lao động và người quản lý Quỹ theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 37/2023/NĐ-CP và theo quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ; chi các khoản đóng góp theo lương cho người lao động gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; chi bữa ăn giữa ca, chi bảo hộ lao động đối với những đối tượng cần trang bị bảo hộ lao động trong khi làm việc; chi cho lao động nữ.
Cùng với đó là chi làm thêm giờ và các khoản chi khác áp dụng theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chi trang phục cho cán bộ và người lao động của Quỹ, mức chi không vượt quá mức chi trang phục giao dịch bằng tiền để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với các doanh nghiệp.
Chi cho hoạt động quản lý và công vụ: chi hội nghị, hội thảo, tiếp khách; tập huấn, đào tạo, khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, chi công tác phí cho cán bộ và người lao động của Quỹ đi công tác trong và ngoài nước theo quy định; chi hỗ trợ cho đại biểu là cán bộ của Quỹ cấp dưới tham dự hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo của Quỹ cấp trên tổ chức (gồm tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ và tiền phương tiện đi lại) trong trường hợp các khoản chi này không được chi trả bởi cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ. Mức chi các khoản này thực hiện theo các quy định của pháp luật áp dụng đối với cơ quan nhà nước.
Chi nộp thuế, các khoản phí và lệ phí (nếu có) theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.
Các khoản chi phí khác gồm: chi trích lập các khoản dự phòng khác (không bao gồm chi trích lập dự phòng rủi ro cho vay) áp dụng theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp; chi phí xử lý tổn thất tài sản sau khi đã bù đắp bằng các nguồn vốn khác theo quy định; chi tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế…
Thông tư số 92 nêu rõ, Quỹ thực hiện chi theo định mức đối với các khoản chi đã được quy định cụ thể định mức chi tại Thông tư này; các khoản chi khác Quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trường hợp pháp luật chưa có quy định hoặc không khống chế mức chi, Quỹ căn cứ vào khả năng tài chính xây dựng định mức trong quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ, quyết định việc chi tiêu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điểm tựa vững chắc giúp hàng triệu hộ nông dân vay vốn thoát nghèo Sau gần 30 năm hoạt động, hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trực tiếp vốn cho hàng triệu hộ nông dân có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; phát triển nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị, đảm bảo an ninh lương thực; đẩy lùi nạn tín dụng đen khu vực nông thôn; góp phần ổn định chính trị ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội. Tổng doanh số cho vay từ khi thành lập đến cuối năm 2023 khoảng 15.000 tỷ đồng, dư nợ là 4.550 tỷ đồng. |