Thi công nút giao đường Bình Chuẩn – Tân Phước Khánh, Bình Dương. Ảnh: Sơn Nam |
Giải ngân đạt tỷ lệ khá thấp
Ngay từ đầu năm 2024, mặc dù các chủ đầu tư đã ký cam kết giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 nhưng đến nay giải ngân vốn vẫn đạt tỷ lệ khá thấp. Đến ngày 7/11, tổng số vốn giải ngân thực tế của tỉnh Bình Dương chỉ đạt 7.293 tỷ đồng, tương ứng 47,7% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao và 34,7% so với kế hoạch của HĐND tỉnh.
Trong khi kế hoạch và mục tiêu phấn đấu đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh đạt tối thiểu 85%,theo nghị quyết của HĐND tỉnh giao (tương ứng 122% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Điều này đang được xem là áp lực lớn đến hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như triển khai thực hiện giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2024.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, một số dự án lớn tại Bình Dương đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như các quy định pháp luật liên quan lĩnh vực đầu tư công có nhiều thay đổi; các công trình trọng điểm chưa đảm bảo được tiến độ như kế hoạch và cam kết các chủ đầu tư đã đăng ký từ đầu năm.
Nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục chủ bị đầu tư để chi hết số vốn giải phóng mặt bằng được bố trí vốn như đường ĐT.748 đoạn từ giáp giao lộ ngã tư Phú Thứ đến vành đai Bắc thị trấn Mỹ Phước; đường ĐH.606 đến giáp đường vành đai Bắc Mỹ Phước, đường Bình Chuẩn – Tân Phước Khánh; đường ĐT.746 đoạn ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa; dự án nạo vét, gia cố Suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai; giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành…
UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư thực hiện đầy đủ cam kết, đảm bảo thời gian các chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhằm phục vụ công tác tham mưu điều hành kế hoạch đầu tư công. |
Không được phép chần chừ
Ông Võ Anh Tuấn – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đang yêu cầu các sở, ngành và địa phương quyết liệt vào cuộc, giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
UBND tỉnh Bình Dương đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch cao điểm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành địa phương, các chủ đầu tư phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Cầu Bạch Đằng 2 kết nối đường 747 (tỉnh Bình Dương) và đường 768 (tỉnh Đồng Nai) sẽ góp phần tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại của Nhân lực trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Sơn Nam |
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có nhiều cuộc họp với chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương khẩn trương đánh giá lại nguyên nhân chủ quan, khách quan, những khó khăn vướng mắc để tập trung tháo gỡ. Đồng thời, chính quyền tỉnh phát động kế hoạch thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng đối với từng dự án cụ thể; từ đó có phương án đề xuất điều chỉnh (tăng, giảm vốn) nội bộ của đơn vị mình quản lý.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng cho biết, đang tập trung đẩy mạnh, phối hợp các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện rà soát, điều chuyển nội bộ kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa thật sự cấp thiết, cấp bách để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, dự án cấp thiết, bức xúc, có khả năng giải ngân ngay vốn được bố trí, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của cơ chủ trì, đầu mối để rút ngắn thời gian thẩm định, giải quyết hồ sơ, thủ tục từ bước chuẩn bị đầu tư đến thực hiện và quyết toán dự án.
Bình Dương đã đặt ra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, với tổng vốn dự kiến lên đến 105.000 tỷ đồng, bao gồm 32.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 73.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Trong năm 2025, Bình Dương dự kiến sẽ phân bổ khoảng 21.057 tỷ đồng cho 195 dự án và nhiệm vụ trọng yếu. Các dự án này chủ yếu là hạ tầng giao thông và dịch vụ công, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn 2026-2030. |