Bây giờ cải đã lên ngồng
Cây cải là cây dễ trồng, quen thuộc đối với người dân quê. Vườn cải gắn với những cô thôn nữ chiều chiều gánh nước tưới cải, quần xắn cao, bắp chân trắng lấp loáng nước, tiếng cười đùa trong trẻo vang khắp xóm. Cải chân thật, dung dị mà đa đoan. Này nhé, cải nhỏ dùng để ăn sống, khi có nhiều thì theo những gánh hàng của mẹ ra chợ, rồi cải dùng để làm dưa. Mùa hoa cải vàng vào cuối đông còn để lại nhiều kỷ niệm làm nao lòng người, luyến nhớ. “Gió ơi cho gửi mấy lời/ Gửi hương hoa cải đến người phương xa” (Một mùa hoa cải).
Mùa cải ra hoa.
|
Ở quê tôi thường trồng cải cay (cải xanh) bởi dễ trồng, dễ chăm sóc, cho thu hoạch chỉ sau khoảng hơn một tháng gieo trồng. Cải gieo trồng thành từng luống ở vườn. Rau cải xanh với lá còn non sau một tuần gieo hạt đã dùng được. Trước mỗi buổi cơm chiều, mẹ tôi thường cầm rổ ra luống cải vườn nhà tỉa bớt luống cải dày, rửa sạch cả gốc và ngọn để vào ăn rau sống. Cải cay non có vị hăng dịu, chấm với nước mắm ớt tỏi hoặc với nước kho cá thì vừa thơm ngon vừa béo ngậy, ăn với cơm, khi no vẫn còn thấy thèm. Ngon nhất, có lẽ là món cải non chấm với nước thịt ăn với cơm lúa mới thơm dẻo thì mới thưởng thức hết được hương vị tuyệt vời mà món rau cải non mang lại. Còn món cải nấu cá rô, ôi thôi rồi, đã ăn thì quên “đường về quê mẹ”: “Rau cải nấu với cá rô/ Gừng thêm một lát, cho cô giữ chồng” (Ca dao). Khi cải đã lớn, trước mỗi phiên chợ, chị tôi thường nhổ cải để mẹ xếp thành những thếp để sáng hôm sau mang ra chợ bán. Gánh rau cải được giá giúp mẹ tôi có thêm món tiền mua thức ăn hàng ngày, mua sách vở, áo quần cho các con đi học.
Rau cải còn được luộc, xào hay ăn nhúng với nồi lẩu. Những bữa tiệc, giỗ chạp hay các bữa ăn trong gia đình hầu như không thể thiếu cải xanh. Nhưng hóa ra, cải trồng chủ yếu dùng để làm dưa. Khi những cơn gió bấc bắt đầu tràn về thì người ta bày nong nia ra phơi cải. Lúc này, cải đã lên ngồng. “Bây giờ cải đã lên ngồng/ Em đi lấy chồng, anh có buồn chăng” (Mùa hoa cải). Người ta phơi qua một nắng cho cải hơi héo, rồi cắt cải thành từng khúc vừa ăn, cho cải xanh, hành lá vào hũ, đổ nước muối vào ngâm. Chỉ khoảng một tuần là đã có dưa cải dùng được. Món dưa cải chấm nước mắm là món ăn thông dụng nhất. Ở quê tôi có câu: “Nói chi cho lắm cũng nước mắm chắm dưa cải. Nói chi cho phải cũng dưa cải chắm nước mắm!”. Năm nào mẹ tôi cũng làm dưa cải và hầu như mùa nào nhà tôi cũng đều có món rau cải. Cải chua còn nấu được nhiều món ăn ngon: dưa cải xào, cá diếc om dưa, canh cá nấu dưa cải chua, lòng heo xào dưa cải chua, cá kho dưa cải… Các loại cá, thịt nấu với dưa cải chua đều ngon, món dân dã nhưng hấp dẫn và khoái khẩu. Món cải chua tạo cảm giác ngon miệng, lành tính và dễ tiêu.
Rồi những cơn gió bấc bắt đầu tràn về. Góc vườn gồm những luống cải để dành làm giống đã vàng rực sắc hoa. Tầm tháng 11, tháng Chạp là hoa cải nở rộ, những cánh hoa li ti xếp xen kẻ với nhau và nở thành từng chùm nhuốm vàng những chiều nồm ngan ngát, từng lá cải vân vi sắc trắng, nhấm vào môi nghe mằn mặn, nồng ngầy ngậy. Những ngồng cải đầy trái thì được hái, phơi khô lấy hạt để dành giống cho mùa sau. “Hoa tàn đợi đến mùa sau/ Ngát thơm hoa cải để sầu riêng ai” (Một mùa hoa cải).
Cây cải bình dị, gần gũi với người dân quê. Cải nấu được nhiều món ăn ngon khó cưỡng. Cùng với mùa hoa cải vàng ươm cuối đông làm thổn thức lòng người đi xa, trong tôi còn vương vấn mãi lời ca dao lưu luyến, nuối tiếc: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.
Cây cải cay lúc còn non
|
Nhà văn Nguyễn Linh Giang – Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh