Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao được Thủ tướng phê duyệt, ban hành theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023. Tỉnh An Giang đã có Quyết định số 703/QĐ-UBND, ngày 02/5/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại An Giang…
Theo kế hoạch của tỉnh An Giang, năm 2024 sẽ có 20.609 ha sản xuất theo quy trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đến nay ngành nông nghiệp đã thực hiện 18 mô hình, mỗi mô hình 50 ha với tổng diện tích 900 ha tại 9 huyện, thị và 4 mô hình triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với diện tích 52 ha tại 4 địa phương Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn và Thoại Sơn.
“Các doanh nghiệp kinh doanh chế biến xuất khẩu gạo cần vay vốn vay dài hạn cho đầu tư kho, silo chứa lúa gạo. Nhưng thời gian qua, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay dài hạn.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Trung An
Tại huyện Phú Tân và Châu Phú đã triển khai 165 ha theo quy trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong vụ Thu Đông vừa qua. Song hành với các mô hình, cũng đã triển khai 93 lớp tập huấn tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí 1 triệu ha và 12 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác theo đúng tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Kết quả tổng kết các mô hình cho thấy đã giảm lượng giống trung bình 67 kg lúa giống/ha; năng suất ruộng trung bình cao hơn đối chứng 0,1 tấn/héc-ta; chi phí sản xuất giảm trung bình 4 – 5 triệu đồng/ha. lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng 3,6-5,3 triệu đồng/ha.
Các mô hình điểm được thực hiện theo quy trình sản xuất 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao để làm cơ sở cho người sản xuất có cơ hội tham quan, học tập và làm theo, làm cơ sở để nhân rộng cho kế hoạch trong thời gian tới. Bước đầu, với những kết quả khả quan của mô hình điểm có tác động giúp nông dân thay đổi dần tập quán và tư duy trong việc sản xuất theo hướng bền vững và tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật sản xuất một cách chặt chẽ.
Tại hội nghị sơ kết ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nói: “Các doanh nghiệp kinh doanh chế biến xuất khẩu gạo cần vay vốn vay dài hạn cho đầu tư kho, silo chứa lúa gạo. Nhưng thời gian qua, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay dài hạn. Ðể đầu tư, doanh nghiệp buộc phải lấy vốn ngắn hạn chuyển sang. Ðiều này rất bất hợp lý, thiếu bền vững, nên doanh nghiệp rất cần ngân hàng cùng ngồi lại để tính toán, xem xét cho vay vốn theo nhu cầu của doanh nghiệp mới có thể nâng giá trị của toàn chuỗi lúa gạo”.
Theo ông Bình, gạo Việt Nam có nhiều triển vọng xuất khẩu ra thế giới, nhưng đang phát triển không bền vững. Vì vậy, nếu triển khai hiệu quả Ðề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Ðồng bằng Sông Cửu Long theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ sẽ giải quyết được rất nhiều thách thức cho ngành lúa gạo.
“Ðiều kiện tiên quyết để thực hiện là ngoài liên kết các nhà thì cần vốn đầu tư chuỗi liên kết trong Ðề án 1 triệu ha lúa này. Hợp tác xã và doanh nghiệp cần vay vốn để thanh toán các vật tư đầu vào cho nông dân (lúa giống, phân thuốc…), đồng thời xây dựng kho chứa, các silo. Thiếu tiền ai thì được chứ không thể thiếu tiền nông dân”, ông Bình nói.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, đến nay, dư nợ tín dụng đạt 18.553 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 80% dư nợ, đứng đầu toàn tỉnh về dư nợ cho vay. đơn vị cam kết và bảo đảm thực hiện nguồn vốn luôn luôn đáp ứng đủ cho triển khai Đề án.
Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang cho thấy: Dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55 và Thông tư số 10 của Ngân hàng Nhà nước) dư nợ đạt 77.446 tỷ đồng, tăng 9,82% so với cuối năm 2023, chiếm 63,90% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó: dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 20.182 tỷ đồng, tăng 21,39% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 16.559 tỷ đồng, tăng 10,91% so với cuối năm 2023.
Đối với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Agribank được Ngân hàng Nhà nước giao là ngân hàng chủ lực cho vay, trong giai đoạn thí điểm từ nay đến cuối năm 2025, nhằm thực hiện tốt Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Agribank dành 30.000 tỷ đồng cho Đề án và nếu nhu cầu vốn trên thực tế có lớn hơn thì sẽ tiếp tục tăng cường thêm. Nông dân trong vùng thực hiện Đề án được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn bên ngoài mô hình. Agribank cũng tiếp tục cho nông dân, doanh nghiệp vay các nguồn vốn ưu đãi lãi suất thuộc các chương trình chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Theo nhiều nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã hiện việc triển khai nhân rộng các mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại An Giang có thuận lợi khi được sự quan tâm vào cuộc và hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành chức năng và sự chung tay đồng hành của nhiều đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Nông dân tại các địa phương cũng rất muốn tham gia thực hiện mô hình nhằm có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tăng thu nhập. Song, khi thực hiện mô hình, nông dân vẫn còn gặp một số khó khăn và trở ngại cần được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời như hỗ trợ về đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; áp dụng các máy móc, công nghệ mới; tập huấn kỹ thuật để đảm bảo thực hiện đúng các quy trình sản xuất theo Đề án. Nông dân và các doanh nghiệp tham gia mô hình cũng cần được hỗ trợ trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và thực hiện liên kết theo chuỗi.
Để thúc đẩy tín dụng cho lúa, gạo chủ lực của tỉnh An Giang không đơn thuần là cho vay vốn từng sản phẩm, mà phải đầu tư cho những dự án mang tính chuỗi. Ví dụ mua nguyên liệu thì vốn ngắn hạn, nhưng đầu tư cho máy móc, thiết bị thì cần vốn dài hạn, nên chúng ta phải tính tổng thể nhu cầu vốn của từng dự án.
Ngoài ra, hiện đang thiếu định chế phát triển bảo hiểm rủi ro cho tín dụng nông nghiệp; chưa kể, vay vốn hiện nay phần lớn là dựa trên yếu tố tài sản thế chấp. Với ngân hàng thì rủi ro cao, lãi suất càng cao nhưng nông nghiệp thì cần vay với lãi suất thấp, nên cần gỡ nút thắt này. Ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn, nhưng điều kiện là phải giảm được rủi ro.