40% ngành hàng tiêu dùng nhanh không thể giữ chân khách hàng
Nghiên cứu của Kantar chỉ ra 40% ngành hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh không thể giữ chân người tiêu dùng. Không chỉ ngành hàng nhỏ mà ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.
Theo khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, người tiêu dùng đang thay đổi mối quan tâm trong giai đoạn khó khăn. Trả lời các câu hỏi khảo sát, người tiêu dùng cho biết sức khoẻ và an toàn thực phẩm vẫn là 2 yếu tố người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, thu nhập, việc làm và đặc biệt là chi phí gia tăng đang khiến họ lo lắng hơn trong những tháng gần đây.
Sự thay đổi rõ nét nhất thể hiện ở việc người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà và cá nhân hóa nhu cầu; ưu tiên mua sản phẩm thiết yếu; chuyển sang phân khúc thấp hơn, mua số lượng lớn để tiết kiệm và tích cực tìm kiếm các chương trình khuyến mãi.
Nghiên cứu của Kantar cũng chỉ ra 40% ngành hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không thể giữ chân người tiêu dùng. Không chỉ ngành hàng nhỏ mà ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.
Người tiêu dùng có xu hướng tham khảo giá nhiều nơi để tìm kiếm chương trình khuyến mãi hấp dẫn
|
49% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ tham khảo nhiều cửa hàng khác nhau để tìm kiếm chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đồng thời so sánh giá sản phẩm giữa các nhà bán lẻ để tìm sản phẩm có giá tốt nhất.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển Kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, cho hay số hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính tăng đáng kể so với 1 năm trước và thời điểm trước dịch COVID-19. Sự khó khăn ảnh hưởng tới tất cả các nhóm thu nhập, mặc dù nhóm hộ gia đình thu nhập cao ít bị ảnh hưởng so với mặt bằng chung. Dù vậy, người tiêu dùng có niềm tin tình hình tài chính sẽ tốt hơn trong 12 tháng tới.
Kantar dự báo, dịp tết năm nay, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu mua sắm nhiều như những năm trước, họ sẽ có xu hướng mua sắm cầm chừng và cân nhắc mua sản phẩm vừa đủ dùng, thiếu thì mua thêm.
T. Nhân