Đây cũng là lần đầu tiên một mạng di động của Việt Nam nhận được chứng nhận này. Trao đổi với phóng viên, ông Hakan Ekmen – CEO Telecommunication Umlaut – Công ty đo kiểm viễn thông hàng đầu thế giới nhấn mạnh kết quả này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Thưa ông, vừa qua, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên đạt chứng nhận “Best in Test” ở Việt Nam. Điều này có ý nghĩa gì với chất lượng mạng viễn thông?
Điểm chuẩn của Umlaut nhằm giúp các nhà mạng trên toàn cầu chứng minh khả năng cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như đưa ra các phương pháp để có thể cải thiện chất lượng dịch vụ.
Tại Việt Nam, chúng tôi đã thu thập và phân tích hơn 370 triệu mẫu đo trong khoảng thời gian 6 tháng, bao phủ khoảng 99% khu vực địa lý có cư dân sinh sống. Theo đó, các kết quả phân tích và đánh giá của chúng tôi cho thấy, Viettel có mạng lưới tốt nhất tại Việt Nam, đạt số điểm 886/1000 điểm – là mức điểm rất ấn tượng.
Cụ thể, mức điểm này nói lên điều gì, thưa ông?
Khung chấm điểm của Umlaut đánh giá toàn diện trên các yếu tố, vùng phủ tốc độ và độ trễ đáp ứng các yêu cầu dịch vụ. Phương pháp của chúng tôi phản ánh thực tế cảm nhận chất lượng dịch vụ của khách hàng trên đa dạng các chủng loại thiết bị đầu cuối và bao phủ tất cả các khu vực từ thành thị tới nông thôn, miền núi, biển đảo. Hệ thống điểm của Umlaut đang được sử dụng trên khoảng 120 quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 200 nhà mạng đang được đánh giá theo phương pháp luận này.
Có thể nói rằng, chất lượng trải nghiệm dịch vụ của Viettel rất tốt, mang tính liên tục trên phạm vi toàn quốc. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ kết quả này ở mọi nơi. Điều này thể hiện chất lượng dịch vụ của Viettel rất tốt.
Ông Hakan Ekmen – CEO Telecommunication Umlaut
Viettel nằm trong nhóm các nhà mạng có số điểm tương đương với Singtel (Singapore), Telstra (Úc), T-Mobile, Vodafone, Telefonica (Đức)… Ông cũng nhận định rằng Viettel đang thuộc nhóm các mạng di động rất tốt trên thế giới. Có nhiều nhà mạng từ quốc gia đang phát triển làm được điều đó không?
Tôi cho rằng Viettel đang hoạt động rất tốt và hoàn toàn có thể so sánh chất lượng với các nhà mạng ở các quốc gia công nghiệp khác. Điều này cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông tại Việt Nam. Với tình hình như hiện tại, tôi có thể ví Việt Nam như các quốc gia tại châu Âu: Ý hoặc Đức về viễn thông.
Khoảng cách giữa vị trí thứ nhất và thứ hai với hơn 180 điểm là vô cùng lớn. Điều này tiếp tục khẳng định vị thế của Viettel trên thị trường không chỉ trong nước, mà còn có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Khoảng cách lớn như vậy đã từng xảy ra ở các quốc gia khác hay chưa?
Khoảng cách lớn như vậy đã từng xảy ra ở các quốc gia khác nhưng có thể được thu hẹp trong khoảng 24 tháng. Trên thực tế, khi trên thị trường có sự khác biệt xa như vậy, các nhà mạng khác sẽ cố gắng để bắt kịp.
Khi chất lượng sản phẩm vượt trội, các đối thủ cạnh tranh sẽ muốn vượt lên và đó là một điều tốt. Tại thời điểm này, đó là Viettel. Vì vậy, nếu có nhà mạng khác đang có mức tham vọng như Viettel thì chắc chắn sẽ rất có lợi cho thị trường.
Sau tất cả thì người tiêu dùng sẽ là nhóm người có lợi nhất. Bởi họ sẽ được hưởng lợi từ tất cả các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất mà các nhà mạng đang tìm cách để tạo ra.
Việc có nhà mạng lọt top các mạng di động tốt nhất thế giới sẽ giúp cải thiện gì về xếp hạng viễn thông – CNTT của Việt Nam?
Tôi tin rằng nơi bạn đang đứng ngay tại thời điểm này đã được phủ sóng băng thông rộng. Thậm chí, ở hầu hết các khu vực xung quanh bạn hiện nay đều được phủ sóng, đó là dẫn chứng về cải thiện trong lĩnh vực viễn thông – CNTT của Việt Nam.
Một trong những điều kiện tiên quyết để xếp hạng viễn thông – CNTT tốt hơn đó là khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Một khi đã được tiếp cận với các hạ tầng này, các dịch vụ đi kèm sẽ được hỗ trợ, ví dụ như các ứng dụng IoT trong mọi ngành hàng.
Do vậy, việc Viettel lọt top các nhà mạng di động tốt nhất thế giới là bước căn bản để khẳng định viễn thông – CNTT của Việt Nam đang ngày càng cải thiện, từ đó xếp hạng ngành sẽ ngày càng tăng.
Đánh giá chất lượng mạng lưới của nhiều nhà mạng trên thế giới dựa vào một phương pháp thực nghiệm mới, ông có nhận xét gì khi đo kiểm Viettel cũng như các nhà mạng khác ở Việt Nam?
Phương pháp đánh giá từ dữ liệu của người dùng (crowdsourcing) là xu hướng mới nổi lên gần đây, được Liên minh Viễn thông quốc tế chuẩn hóa theo tiêu chuẩn E.812. Phương pháp này cung cấp góc nhìn toàn diện về mạng di động dựa trên trải nghiệm của khách hàng sử dụng dịch vụ thoại và data với các tiêu chí về vùng phủ, tốc độ và độ trễ.
Điểm chuẩn di động Umlaut là tiêu chuẩn ngành trên thực tế, đánh giá công bằng và minh bạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu. Khi nhìn lại quá trình đo kiểm của Viettel, tôi chỉ muốn khuyên họ tiếp tục những việc đang làm. Đó là chìa khóa để mang lại sản phẩm với chất lượng tốt nhất.
Điều quan trọng khi bạn ở vị trí đứng đầu là phải tiếp tục giữ đà tăng trưởng đó.
Xin cảm ơn ông.