Các chuyên gia cho rằng nhu cầu cần 1 triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ là một thách thức mà chỉ riêng các trường ĐH không làm được nếu thiếu sự hỗ trợ của các doanh nghiệp – Ảnh: T.HÀ
Thông tin do bà Trương Lý Hoàng Phi – tổng giám đốc VinTech City, Tập đoàn Vingroup – công bố tại cuộc hội thảo giới thiệu chương trình hợp tác đại học hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng và khởi nghiệp công nghệ, diễn ra tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông sáng 22-5.
Hiện nay, Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech (gọi tắt là VinTech Fund) đã bắt đầu xét tài trợ đợt đầu tiên. Trong đó, quỹ tiếp nhận hồ sơ và thẩm định các dự án nghiên cứu từ ngày 15-5 đến ngày 15-6, và tiến hành xét duyệt từ ngày 15-6 đến ngày 15-7-2019.
Qua vòng thẩm định, các nhóm nghiên cứu sẽ trình bày và phản biện trực tiếp trước Hội đồng chuyên gia xét duyệt cấp tài trợ. Bà Hoàng Phi cho biết thêm, khi nhận tài trợ của dự án, nhóm nghiên cứu phải cam kết theo đuổi đến cùng và tạo ra kết quả tốt nhất từ đề tài của mình.
Theo đó, các dự án, sản phẩm công nghệ có những lợi thế cạnh tranh vượt trội, có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường sẽ được ưu tiên. Căn cứ vào thực tế, VinTech Fund cũng hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, hợp tác thương mại hóa các dự án ở các giai đoạn hình thành doanh nghiệp, khởi nghiệp.
Để nhận tài trợ của dự án phải đáp ứng một số tiêu chí như tạo ra công nghệ, khả năng thương mại hóa cao, uy tín và năng lực của đơn vị nghiên cứu. Đặc biệt ưu tiên đề tài, dự án đã tạo ra được sản phẩm ở dạng phiên bản mẫu đầu tiên.
VinTech cho biết cũng đã khảo sát và làm việc trực tiếp với 54 trường đại học công nghệ hàng đầu Việt Nam để thiết kế các hoạt động hợp tác và tài trợ cụ thể. Các hoạt động được đề xuất nhiều nhất là tài trợ dự án nghiên cứu KHCN, các chương trình học kỳ doanh nghiệp, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và cơ hội việc làm cho sinh viên khi tham gia thị trường lao động, tài trợ và hỗ trợ hoạt động CLB công nghệ và khởi nghiệp trong sinh viên…
T. HÀ