Giao diện HarmonyOS 2.0 trên máy tính bảng MatePad Pro – Ảnh chụp màn hình Tech Advisor
Ông Wang Chenglu, người đứng đầu bộ phận phần mềm của Huawei, nhấn mạnh thị trường smartphone đang bão hòa, nên Huawei không cần cạnh tranh với Android hay iOS.
Theo ông này, HarmonyOS 2.0 khác biệt với Android và iOS của Apple, vì được thiết kế cho kỷ nguyên Internet vạn vật – Internet-of-Things (IoT).
Các thiết bị mà HarmonyOS 2.0 hoạt động không chỉ có smartphone mà còn bao gồm đồng hồ thông minh (smart watch), tivi thông minh (smart TV), các thiết bị gia dụng thông minh và thiết bị thông minh khác có kho ứng dụng riêng, có thể kết nối với Internet.
Ngay sau khi HarmonyOS 2.0 được ra mắt, chuyên trang công nghệ Tech Advisor đã có bài “trên tay” siêu hệ điều hành của Huawei. Nhận xét đầu tiên của trang đánh giá đã 25 tuổi là Huawei “vay mượn những thứ tốt nhất” từ các hệ điều hành khác cho HarmonyOS 2.0.
Huawei đã lấy Android và giao diện Android tùy chỉnh EMUI của hãng để làm nền tảng cho HarmonyOS 2.0, thay vì bắt đầu mọi thứ từ con số 0.
Cây bút Dominic Preston của Tech Advisor nhận xét điều này đã giúp người dùng Huawei không bị bỡ ngỡ: “Những ai đang dùng điện thoại hoặc máy tính bảng chạy Android của Huawei sẽ cảm thấy những trải nghiệm và thao tác trên HarmonyOS 2.0 vô cùng quen thuộc”.
Huawei cũng tìm nguồn cảm hứng từ iOS với giao diện màn hình chính tập trung vào các tiện ích tương tự phiên bản iOS 14 của iPhone.
Đối với máy tính bảng, Huawei xây dựng giao diện chính có một dãy các ứng dụng bên dưới màn hình tương tự macOS của Apple. Một dãy phím tắt cũng xuất hiện, cho phép người dùng truy cập nhanh các ứng dụng yêu thích hoặc xem những ứng dụng vừa sử dụng gần nhất.
Huawei đã chọn giới thiệu trước và cập nhật HarmonyOS 2.0 cho dòng MatePad thay vì smartphone dòng P50 – Ảnh chụp màn hình Tech Advisor
Bất chấp những trải nghiệm mượt mà của hệ điều hành mới, điều khiến nhiều người lo nhất khi sử dụng smartphone hay máy tính bảng Huawei là kho ứng dụng.
Cũng giống như người tiền nhiệm, sẽ không có ứng dụng nào của Google có thể hoạt động trên HarmonyOS 2.0, từ Gmail đến công cụ tìm kiếm Google và nền tảng YouTube hay Google Map.
Với người dùng Trung Quốc, điều này không quan trọng, vì vốn dĩ các ứng dụng này đã bị cấm từ lâu. Nhưng với người dùng quốc tế, sự vắng mặt của các ứng dụng Google gây ra phiền toái và khó chịu, buộc họ phải tập làm quen.
Theo Tech Advisor, HarmonyOS 2.0 đã giải quyết được một phần nỗi lo thiếu ứng dụng, cho phép các ứng dụng Android được cài đặt trực tiếp trên hệ điều hành này. Mọi ứng dụng Android của Instagram, Twitter hay Netflix hoặc Disney + đều có thể hoạt động trên HarmonyOS 2.0.
Người dùng có thể tải ứng dụng từ AppGallery hoặc cài đặt bằng các tệp .apk khi tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm Petal Search của Huawei. Điểm trừ lớn nhất, theo Tech Advisor, là các ứng dụng Android dựa trên máy chủ Google sẽ không thể cài đặt và hoạt động trên HarmonyOS 2.0.
Giao diện phần cài đặt trên HarmonyOS 2.0 – Ảnh chụp màn hình Tech Advisor
Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên ra mắt sẽ có 300 triệu thiết bị chạy HarmonyOS 2.0, trong đó có 200 triệu smartphone Huawei và 100 triệu smartphone của bên thứ ba.
Huawei kỳ vọng thị phần HarmonyOS 2.0 sẽ mở rộng trong những năm tiếp theo nhờ các thỏa thuận với hãng sản xuất thiết bị gia dụng Midea, nhà sản xuất máy bay không người lái DJI và các hãng đồng hồ Thụy Sĩ như Tissot và Swatch.
Cây bút Preston nhận xét HarmonyOS sẽ “giải phóng” Huawei khỏi sự phụ thuộc vào phần mềm Mỹ. Nếu các đối thủ của Huawei như Oppo hay Xiaomi chấp nhận sử dụng HarmonyOS, trong tương lai không xa Mỹ và Google sẽ mất đi quyền khống chế các nhà sản xuất Trung Quốc.
Giao diện của HarmonyOS 2.0 trên smartphone. Huawei được cho là sẽ giới thiệu hệ điều hành này trên smartphone dòng P50 sắp sửa ra mắt – Ảnh chụp màn hình